Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Qua Đồng Long Giao (Đồng Nai)

Sơ Lược Về Văn Hóa Đồng Nai

Dải đất Việt Nam cong cong hình chữ S với một bờ biển dài hơn 3000 km có một vị trí đặc biệt quan trọng , là cầu nối giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo . Với một vị trí chiến lược đặc biệt như vậy có thể coi Việt Nam là nơi tiếp nhận nhiều luồng văn hóa khác nhau trong lịch sử hình thành và phát triển của mình . Khi thời đại kim khí bắt đầu (ranh giới giữa thời đại kim khí và thời đại đá mới ở nhiều nước trên thế giới có sự khác biệt nhưng nhìn chung thì giao động từ khoảng 2000 đến 3000 năm trước công nguyên , yếu tố sớm hơn hay muộn hơn của sự xuất hiện kim khí còn phụ thuộc vào nhiều những nguyên nhân khách quan khác nhau.) thì con người thực sự đã có một bước tiến bộ vượt bậc về bộ sưu tập công cụ của mình . Những công cụ bằng kim loại đã cho những công năng vô cùng to lớn mà từ đó con người mới dần tiến bộ và từng bước chủ động hơn trong cuộc sống của mình . Trong thời đại kim khí ở nước ta có ba trung tâm kim khí lớn đó là trung tâm Đông Sơn ở khu vực phía Bắc , Trung tâm Sa Huỳnh ở khu vực miền Trung và một trung tâm nữa ở miền nam của tổ quốc đó chính là trung tâm văn hóa Đồng Nai . Cả ba trung tâm này góp phần hình thành nên thời đại kim khí ở Việt Nam . Đồng Nai là một vùng đất cổ xét theo địa lý thì đây thuộc khu vực Đông nam bộ từ xa xưa vùng đất này đã có những cư dân cổ sinh sống những chiếc rìu đá mà dân gian quen gọi là những lưỡi tầm sét xuất hiện rất nhiều trong những khu vực thuộc phạm vi phân bố của nền văn hóa này ! Văn hóa Đồng Nai là một giai đoạn của thời kỳ kim khí phát triển liên tục từ thời đại đồ đồng sang thời đại đồ sắt , niên đại của văn hóa Đồng Nai vào khoảng hơn 1000 năm trước công nguyên đến đầu công nguyên , thời đại đồ sắt trong văn hóa Đồng Nai có niên đại vào khoảng nửa sau thiên niên kỷ một trước công nguyên . Văn hóa Đồng Nai được phát hiện và nghiên cứu đầu tiên vào nửa sau thế kỷ XIX bởi các nhà nghiên cứu nước ngoài mà chủ yếu là các nhà khoa học người Pháp . Có thể điểm qua những tên tuổi các học giả nước ngoài gắn với việc nghiên cứu văn hóa Đồng Nai như : F.Caspar , A.Core , O.Grossin , L.Malleret , E.Saurin , H.Fontain ..v…v.. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/04/1975 các nhà nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam đã thực hiện nhiều cuộc khai quật khảo cổ và đã đưa lên mặt đất hàng vạn hiện vật góp phần làm sáng tỏ hơn nền văn hóa thời đại kim khí này . Thời đại đồ sắt trong văn hóa Đồng Nai có niên đại vào khoảng nửa sau thiên niên kỷ thứ I trước công nguyên , đó là một bước phát triển liên tục từ thời đại đồ đồng trước đó , theo nhiều nhà nghiên cứu thì văn hóa Đồng Nai là cơ sở , là nguồn cội bản địa góp phần hình thành nên văn hóa Óc Eo ở khu vực Nam Bộ Việt Nam , tuy nhiên vấn đề này đến nay cần phải nghiên cứu ở một mức độ chuyên khảo với những cuộc khai quật thực địa để góp phần chứng minh tính bản địa của văn hóa Óc Eo . Trở lại nội dung chính của bài tiểu luận này là nghiên cứu về những chiếc qua đồng Long Giao trong thời đại sắt thuộc văn hóa Đồng Nai , có thể thấy rằng đây là một bộ sưu tập hiện vật vô cùng quý giá nó đã cho tất cả chúng ta thấy được qua không chỉ là thứ vũ khí đặc trưng ở Trung Quốc (mặc dù số lượng qua tìm được ở Trung Quốc rất lớn , trong các bộ phim truyền hình lịch sử của Trung Quốc chiếc qua xuất hiện rất nhiều trong các trận chiến) mà còn có mặt tại một số nước Đông Nam Á khác như Thailand , Việt Nam …v…v.. Những chiếc qua đồng Long Giao với hình dáng , kích thước , hoa văn trang trí độc đáo góp phần cho chúng ta thấy được trình độ sản xuất , tư duy trừu tượng khả năng tổ chức xã hội , quốc phòng và có thể là sự phân chia thứ bậc trong xã hội đương thời . Việc nghiên cứu những chiếc qua đồng này có một ý nghĩa quan trọng đối với khảo cổ học thời đại kim khí ở Đồng Nai

Qua Đồng Long Giao

Nếu chúng ta đã từng xem những bộ phim truyền hình lịch sử của Trung Quốc đặc biệt trong giai đoạn Chiến Quốc và thời nhà Tần (221-206TCN) thì chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy hình ảnh những chiếc qua được buộc vào những cây gỗ (một số có thể được buộc vào những cây sắt) được dùng rất linh hoạt khi tác chiến . Có lẽ từng một thời kỳ người ta nghĩ rằng loại hình vũ khí “qua” này là một đặc trưng trong các loại binh khí của người Trung Nguyên và khi thấy nó người ta sẽ nghĩ ngay đến Trung Nguyên xa xôi . Nhưng quan điểm đó sẽ trở nên lỗi thời và không chính xác khi những chiếc qua đồng tại các địa điểm như Dốc Chùa (Bình Dương) , Bàu Hòe , và đặc biệt là là một kho qua Đồng hết sức độc đáo và phong phú với khoảng 70 chiếc được tìm thấy tại Đồng Nai . Ngược trở lại lịch sử trở về năm 1982 các cán bộ của ban khảo cổ học (Viện khoa học xã hội tại Thành Phố Hồ Chí Minh) và phòng bảo tồn , bảo tàng (Sở Văn Hóa Và Thông Tin Đồng Nai) đã tiến hành điều tra sơ bộ trên sườn đồi bazan (57) gần một chóp núi lửa thuộc nông trường cao su Hàng Gòn vị trí tọa độ nơi phát hiện ra những chiếc Qua đồng là ở kinh độ 107º46’6’’ vĩ độ 10º49’27’’ thuộc ấp Long Giao , xã Xuân Tân , huyện Xuân Lộc , tỉnh Đồng Nai . Vị trí này cách di chỉ khảo cổ học nổi tiếng Hàng Gòn chỉ tầm 4km và cách huyện lỵ Xuân Lộc khoảng 20km về phía Nam . Theo các nghiên cứu địa chất thì đây là một vùng đất khá cao (có độ cao trung bình từ khoảng 100ª200m so với mặt nước biển và đây cũng là khu vực tồn tại các hoạt động của núi lửa trong quá khứ . Sau khi tiến hành điều tra thám sát khu vực trên các nhà nghiên cứu đã thu được 16 hiện vật qua đồng còn nguyên vẹn (chủ yếu do vận động nhân dân trao trả) và 12 mảnh qua vỡ. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu nhận định đây chỉ là một số lượng qua nhỏ so với các chiếc qua khác hiện còn được lưu giữ trong nhân dân là khoảng 70 chiếc ! 16 chiếc qua đồng được tìm thấy đã được các học giả giày công nghiên cứu để rồi từ đấy đưa ra những kết luận hết sức lý thú về loại binh khí đặc biệt này . 16 chiếc qua đồng được chia làm 4 loại (chủ yếu dựa trên cơ sở cấu tạo của di vật) . Mỗi chiếc qua đồng Long Giao dù thuộc loại nào thì cũng gốm ba bộ phận tạo thành bao gồm : Lưỡi , đốc và chuôi . Ba bộ phận này có những chức năng riêng biệt phối hợp với nhau để thành qua đồng hoàn chỉnh . Những chiếc qua đồng thuộc những loại khác nhau thường có độ mở của lưỡi khác nhau , độ mở của lưỡi còn được một số nhà nghiên cứu gọi là góc bổ . Góc bổ của qua được xác định bằng góc tạo nên giữa hướng của cán và của mũi qua .


Bản Vẽ Qua Đồng Long Giao

(http://dzunglam.blogspot.com/2009/09/van-hoa-ong-nai.html)

Góc bổ của qua có một vai trò quan trọng đối với công năng của một chiếc qua . Góc bổ lớn cho phép chiếc qua sử dụng một cách dễ dàng và đem đến công năng to lớn , chiếc qua ngoài nhiệm vụ móc , bổ chém còn có một tác dụng to lớn nữa đó là khả năng quét lia (có công năng đặc biệt khi góc bổ được mở rộng . Mỗi chiếc qua đồng Long Giao bao gồm 3 phần gồm : lưỡi , đốc và chuôi , phần lưỡi tùy theo từng kiểu khác nhau sẽ có những thay đổi nhất định còn phần đốc và chuôi nhìn chung tương đối ổn định . Hoa văn thường được trang trí trên đốc lưỡi và cả chuôi . Trên phần đốc có những lỗ để buộc ngoài một tiêu bản có 4 lỗ thì phần lớn các qua này có 3 lỗ hình chữ nhật để xuyên dây buộc cán . Trong phần tiếp xúc giữa chuôi và đốc còn có một lỗ nhỏ nữa đó chính là lỗ để chốt cán . Chuôi của những chiếc qua đồng này có dạng gần như hình thang còn phần đốc theo như PGS.TS Phạm Đức Mạnh thì có hình dạng giống hình dao thợ giầy với một cạnh thẳng và cạnh tạo thành còn lại lượng cong . Để thuận lợi cho việc miêu tả xin được chia các qua đồng Long Giao ra làm 4 loại theo như cách phân chia mà PGS.TS Phạm Đức Mạnh đã từng chia cụ thể như sau :

Loại 1 : Bao gồm 08 chiếc cũng chính loại này có số lượng nhiều nhất trong bộ sưu tập qua đồng , một đặc điểm chính của loại qua này đó là lưỡi hẹp và thường rất dài , chiều dài của lưỡi thường gấp từ 4 đến 7 lần chiều rộng nhất của bản lưỡi gấp hai lần đốc và 4 lần chuôi . một đặc điểm nữa của loại qua này là mũi nhọn tương tự như mũi kiếm , bên cạnh đó phần hoa văn được bố trí khá nhiều ở phần đốc và chuôi được giới hạn bởi những hình học bao quanh bên ngoài . Loại 1 này lại tiếp tục được phân loại thành 4 loại nhỏ hơn dựa trên kích thước độ mở của lưỡi …v…v… theo đó loại 1a bao gồm 3 chiếc qua đồng , có cạnh chuôi thẳng hoạc hơi lồi loại 1a này với đặc điểm là góc lưỡi khá mở rộng với biên độ giao động nằm trong khoảng từ 125ºª138º, lưỡi của loại qua này cong vút và thon nhỏ . Trên phần lưỡi của loại qua này thường được trang trí những hoa văn hình học . Nếu nhìn một cách tổng thể những chiếc qua này có hoa văn ở phần trên đốc và lưỡi giống như hình súng ngắn , hoa văn trên những chiếc qua này thường là những hoa văn hình học mà chủ yếu là nhựng vòn tròn đơn lẻ hoặc là những vòng tròn xoáy ốc tiếp tuyến thành hai cặp và gắn kết các cặp này với nhau là một hay hai đường tiếp tuyến nữa . Khung hoa văn ở chuôi có hình bình hành , những cạnh viền là những hình có dạng gờ nổi . Lỗ chốt cán trên chuôi có dạng gần như hình bầu dục hay chữ nhật . Loại qua này có trọng lượng khá nặng khoảng chừng trên 1 kg . Loại qua tiếp theo là loại qua kiểu 1b : kiểu 1b phát hiện được 3 chiếc trong bộ sưu tập qua đồng Long Giao . Đặc trưng của kiểu qua này so với kiểu trên là ở chỗ lưỡi vát cong mỏng và sắc vể phía hai rìa . Rìa lượi phía dưới được gấp làm 3 khúc theo các nhà nghiên cứu vể binh khí thì việc rìa lưỡi gấp khúc thế này giúp tăng khả năng sát thương đối với chiếc qua này . Các họa tiết hoa văn kiểu 1b này cũng giống như những chiếc qua đồng kiểu 1a đó cũng là những họa tiết hoa văn kiểu xoắn ốc tiếp tyến với nhau tuy nhiên trong một tiêu bản qua đồng thuộc loại 1b này có mộ hoa văn hơi đặc biệt đó là tiêu bản qua đồng 84LG-02 , chiếc qua này ở phần dưới đốc người quan sát có thể dễ dàng nhận thấy hai khối dạng như hình voi do các xoắn ốc tạo nên , đặc biệt phần đuôi voi có dạng như hình của một chú ếch được khắc chìm rất giống với những motip được điêu khắc trên những chuôi dao găm được tìm thấy trong văn hóa Đông Sơn . Như vậy phải chăng đã có một sự liên hệ rõ ràng giữa văn hóa Đồng Nai và trung tâm kim khí Đông Sơn ở khu vực Bắc bộ . Cũng cần phải nói thêm rằng hình tượng những chú voi thường mang yếu tố thuần việt . Trong gốm Đông Sơn thì hình tượng những chú voi được trang trí trên các vật phẩm bằng gốm được coi là những yếu tố đặc trưng thuần Việt . Kiểu qua tiếp theo trong loại 1 đó là kiểu qua 1c . số lượng qua đồng kiểu này được tìm thấy là 1 tiêu bản . một đặc điểm của qua kiểu 1e này là góc bổ nhỏ hơn hẳn so với hai loại kia dao động trong khoảng từ 99ºª103º , rìa trên của lưỡi có những đường gấp khúc . Lỗ chốt cán có hình tròn gần bầu dục . Hoa văn được trang trí trên đuôi cũng là những hoa văn như các kiểu trước đó là hoa văn xoắn ốc tiếp tuyến . Kiểu 1d với số lượng thu được là 1 chiếc , kiểu này với đặc điểm là lưỡi không dài và cong như hai kiểu trên , góc bổ của lưỡi là 108º , lỗ chốt cán hình vuông . một đặc điểm của hoa văn trang trí trên chiếc qua kiểu 1d này là các vòng tròn xoắn ốc với các đường tiếp tuyến ngược chiều

Loại 2 : có 4 chiếc được thu giữ , đặc điểm của những chiếc qua đồng loại 2 này là chúng thường có bản lưỡi rộng , tỉ lệ giữa chiều dài và rộng của lưỡi không quá chênh lệch như các loại trên , lưỡi cong đều . Chuôi thon nhỏ gần có hình thang . cạnh cuối chuôi cong lõm . Các hoa văn chủ yếu cũng là những vòng tròn xoắm ốc tiếp tuyến nhau nhưng được phân bố rời rạc theo từng phần lưỡi , đốc , chuôi . Các hoa văn được bố trí trong các khung , khống chế những khung hoa văn này là những đường chỉ viền hay những vành hoa văn vạch ngắn .

Loại 3 : gồm có 3 chiếc đây là những chiếc qua đồng có trọng lượng lớn nhất trong bộ sưu tập qua đồng Long Giao (kích thức của chúng giao động từ 1,85ª1,86kg) , các qua đồng ở loại 3 này có những họa tiết hoa văn hơi khác lạ và lỗ buộc cán thì lớn dần từ dưới đốc lên .

Loại 4 : có duy nhất 1 tiêu bản , nét đặc trưng của qua loại 4 so với các loại khác đó là phần chuôi của loại qua này cong vát lên , thân lưỡi thì thẳng còn phần đầu lưỡi thì phình rộng . Chiếc qua loại này cũng có kích thước khá lớn (nặng khoảng 1,55kg) . Góc bổ khá lớn (122º)

Với một số lượng qua đồng lớn và phong phú về loại hình cũng như hoa văn trang trí độc đáo trên những chiếc qua đồng như vậy , có lẽ lần đầu tiên tại Việt Nam chúng ta mới tìm được một kho qua đồng lớn đến như thế ! Về tính chất của di tích nơi phát hiện những chiếc qua đồng này thì theo các nhà nghiên cứu “thật khó có thể là vết tích của mộ táng , dầu đó là nơi yên nghỉ của nhân vật có thế lực nhất cộng đồng . Theo chúng tôi đây chính là một kho lưu giữ vũ khí của người cổ Đồng Nai”[1]. Các nhà nghiên cứu không chỉ phát hiện ra được những chiếc qua đồng mà bên cạnh đó còn tìm thấy được một rìu đồng xòe cân , họng tra cán có hình bầu dục và có lưỡi hình hyperpol rất giống chiếc rìu và khuôn đúc tìm được ở suối chồn , dốc chùa . như vậy đã có sự giao lưu về kỹ thuật , với số lượng qua đồng lớn và tinh xảo như thế chúng ta có thể khẳng định rằng đây là một giai đoạn phát triển cao của kỹ thuật chế tác kim loại của cư dân văn hóa Đồng Nai giai đoạn đồ sắt . Những chiếc qua đồng được tìm thấy ở Dốc Chùa , Bầu Hòe là những hiện vật cũng rất độc đáo , những chiếc qua này khá lớn có lưỡi dài , “chuôi khá dài bằng hoặc lớn hơn đốc , đường cuối chuôi xẻ đôi hình đuôi cá rất độc đáo . Tỉ lệ giữa lưỡi và chuôi chênh lệch khá lớn . Cấu tạo đốc dầy vát mỏng về một rìa , cạnh cuối đốc bằng tạo cho đốc gần có hình chữ nhật . Ở một rìa đốc cũng có ba lỗ buộc cán giống như qua Long Giao . Bản lưỡi cong đều và thon nhỏ , đến phần mũi thì phình rộng ở hai rìa , mũi nhọn một mặt lưỡi phẳng , mặt kia cong khum làm cho lưỡi có mặt cắt gần như hình bán nguyệt.”[2] Theo các nhà nghiên cứu thì qua đồng Dốc Chùa và Bàu Hòe là cơ sở cho sự phát triển lên của qua đồng Long Giao . Qua đồng Dốc Chùa theo những kết quả nghiên cứu thì niên đại của chúng là vào khoảng 2495 năm cách ngày nay (dung sai khoảng 50 năm) . Đến lượt mình qua đồng Long Giao đã thực sự hấp thu hết những tinh hoa của những kiểu qua trước để tạo cho mình một kiểu dáng cũng như công dụng có tính đột phá cụ thể là phần chuôi của qua đồng Long Giao đã được thu nhỏ song phần lưỡi đã phát triển đến kỳ lạ về trang trí , kiểu dánh kích cỡ của lưỡi làm thành bản sắc riêng trong sưu tập Đồng Nai [3]. Chúng ta biết rằng phần lưỡi là phần quan trọng nhất của một chiếc qua bởi vì chính phần lưỡi này mới phát huy tác dụng trong chiến đấu với sự cải biến và sáng tạo phần lưỡi của những chiếc qua đồng Long Giao thường dài phần đầu lưỡi thường nhọn sẽ phát huy tác dụng rất lớn đối với các động tác như chặt , bổ , móc . Về vấn đề hoa văn trang trí trên những chiếc qua đồng Long giao chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy các hoa văn được trang trí gần như kín trên những chiếc Qua đồng từ phần lưỡi , đốc , chuôi ….. Những họa tiết hoa văn đó không phải vô nghĩa đó là sự thể hiện tư duy thẩm mỹ , tư duy trừu tượng của chủ nhân nền văn hóa Đồng Nai . Các hoa văn hình học xoáy ốc tiếp tuyến với nhau trên những chiếc qua đồng Long Giao rất giống với những hoa văn hình học trên các đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc cụ thể đó là “hoa văn những vòng tròn xoáy ốc độc lập hay tiếp tuyến thành dải có trên các trống Đông Hiếu , Phú Phương ….. Những tam giác độc lập hay xếp liền nhau như răng cưa của trống Đa Bút , Hoàng Hạ hay các thạp Vạn Thắng , Đào Thịnh , Việt Khê , Làng Cả ….”[4]. Sự giống nhau về hoa văn đó cho phép chúng ta khẳng định được sự giao lưu trên phương diện kỹ thuật của trung tâm kim khí phía nam là Đồng Nai với trung tâm kim khí Đông Sơn ở phía Bắc trong thời đại sắt ở Việt Nam . Không có những họa tiết hoa văn tả thực về người , chim muông , mặt trời như các hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc nhưng qua đồng Long Giao ở phía Nam với những hoa văn hình học mộc mạc nhưng cũng rất gợi cảm cho thấy khả năng chọn lọc , sự tinh tế của cư dân Đồng Nai thời xa xưa , họ vửa học hỏi nhưng cũng vừa sáng tạo, và chọn lọc những gì đẹp nhất giản dị và tinh tế để thể hiện vào những chiếc Qua đồng vô giá của mình . Khi nói đến qua người ta thường nghĩ đến một loại binh khí rất phổ biến tại Trung Quốc , quan điểm đó không sai vì quả thật “Qua” đã trở thành một loại vũ khí quá quen thuộc đối với cư dân Trung Nguyên trong giai đoạn Xuân Thu – Chiến Quốc . Nó đã trở thành một thứ vũ khí không thể thiếu được trong các bộ phim lịch sử của đất nước Đông Á này . Tuy thế “Quan hệ giao lưu và truyền bá về kinh tế – kỹ thuật và văn hóa là thường thấy giữa các cộng đồng người cư trú bên nhau, thậm chí cách rất xa nhau, nhưng đồng đại, trong trường kỳ lịch sử ở nhiều vùng – miền địa – sinh thái trên Thế giới. Quan hệ giao lưu và truyền bá các sản phẩm vật chất – kỹ nghệ – nghệ thuật – tín ngưỡng có thể đến mỗi nền văn hóa từ nhiều nguồn, nhiều phương cách, bằng nhiều con dường khác nhau – bằng buôn bán đổi trao, bằng thám du và truyền giáo, bằng hôn nhân, bằng chuyển cư – di cư từng phần hay cả khối cư dân theo các con đường hòa bình, đổi trao bình đẳng, có khi gay gắt do xung đột, chiến tranh giữa các bộ lạc, chinh phục bắt tù binh và nô lệ, kiếm tìm thuộc địa .v.v..”[5] đó là một quá trình tất yếu tuy nhiên những mối qua hệ văn hóa đó sẽ cũng vẫn có những đặc trưng mang tính chất riêng biệt của mỗi vùng miền với những sắc thái văn hóa riêng độc đáo khác nhau của mỗi vùng miền , lẽ hiển nhiên chúng ta ít nhiều cũng thấy sự tương đồng giữa qua đồng Long Giao và những chiếc qua đồng Trung Quốc “ Một vài yếu tố gần gũi ở chuôi , ở dáng lưỡi loại 2 , loại 1 kiểu 3 hay ở độ mở ở góc lưỡi của qua Long Giao với một số tiêu bản được coi là có dáng hình lý tưởng của qua đồng Trung Nguyên”[6]. Song đó chỉ là một phần , những chiếc qua ở Long Giao nói riêng và trên đất nước Việt Nam nói chung đều có những đặc điểm riêng biệt để phân biệt với qua đồng Trung Quốc , chẳng hạn với những chiếc qua đồng Trung Quốc thì hình dáng lưỡi thường có xu hướng ổn định và thường là lưỡi thẳng nhưng bên cạnh đó phần đốc và chuôi thường hay biến dạng nhiều , tỉ lệ chênh lệch giữa đốc lưỡi và chuôi không cao . Không chỉ có những nét tương đồng với qua đồng Trung Nguyên , qua đồng Long Giao còn có cả những nét tương đồng với những tập hợp qua tại bản Chiang (Thái Lan) , điều đó góp phần giúp chúng ta có thể hình dung ra phần nào mối quan hệ giữa cư dân văn hóa Đồng Nai với cư dân bản Chiang (Thái Lan) trong quá khứ . Qua đồng Long Giao với cấu trúc như đã trình bày ở trên có một công dụng vô cùng lợi hại khi chiến đấu , việc sử dụng những chiếc qua có công năng và kích thước lớn như vậy yêu cầu người dùng có lẽ phải thường xuyên thao luyện . Việc phát hiện nhiều chiếc qua đồng như tại Long Giao sẽ giúp chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa khi xác định rằng đây chính là một kho vũ khí cổ mà người xưa đã từng chôn dấu . Như vậy trình độ tổ chức xã hội đã ở một mức độ rất cao và những trận chiến đẫm máu chắc hẳn đã từng diễn ra trong lịch sử ở vùng đất này . Chúng ta hoàn toàn có thể liên tưởng đến những đội quân với chiếc qua đồng sắc lẹm đang hừng hực chiến đấu để xác định chủ quyền của mình với vùng đất này . Các qua đồng Long Giao phần lớn đều có những dấu vết sử dụng (dấu vết này được quan sát dưới kính hiển vi) cho thấy một điều chắc chắn rằng những chiếc qua này đã từng được sử dụng trong lịch sử . Một số ý kiến cho rằng chiếc qua đồng Long Giao là biểu tượng của quyền lực của một người có địa vị trong xã hội đương thời , nếu như ý kiến đó là đúng đắn thì quả là sự phân chia thứ bậc của xã hội Đồng Nai trong giai đoạn sắt là quá rõ ràng , và như vậy trình độ tổ chức quân quân đội của cư dân đồng nai cũng đã đạt đến một trình độ rất cao .

Qua Đồng Long Giao được Lắp Cán (hiện vật mô phỏng lại qua đồng Long Giao)

Bản vẽ một số kiểu qua đồng Long Giao (Nguồn : http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn/default.aspx?param=E1F0a2V5d29yZD1xJmtpbmQ9c3RhcnQ=)

Tóm lại qua đồng Long Giao là một bộ sưu tập qua đồng độc đáo , nó cung cấp những thông tin vô cùng lý thú và giúp chúng ta có cái nhìn và sự hiểu biết rõ nét hơn về đỉnh cao của một nền văn hóa khu vực nam bộ Việt Nam . Việc phát hiện những chiếc qua đồng Long Giao ở Đồng Nai góp phần khẳng định sự phát triển của văn hóa Đồng Nai trong giai đoạn Sắt . Những chiếc qua đồng này với khối lượng khá nặng hoa văn tinh xảo là một bằng chứng cho thấy trình độ luyện kim của cư dân Đồng Nai đương thời đã đạt tới một trình độ xuất sắc , những chiếc qua đồng Long Giao ở Đồng Nai có chức năng , và hình dáng không thua kém gì những chiếc qua đồng của người Trung Hoa điều đó cũng phần nào khiến chúng ta tự hòa về trình độ luyện kim cũng như khả năng sáng tạo độc đáo của tổ tiên chúng ta . Những chiếc qua đồng Long Giao không chỉ có chức năng chiến đấu dũng mãnh mà những hoa văn hình học trên qua còn giúp chúng ta thấy được trình độ tư duy của cư dân Đồng Nai trong thời cổ đại , những hoa văn ấy không chỉ là những hoa văn có tính chất hình học đơn thuần mà rất nhiều khả năng theo ý kiến cá nhân thì những họa tiết đó chính là những họa tiết hoa văn sóng nước ! Tuy nhiên việc nghiên cứu những hoa văn , họa tiết trên những chiếc qua đồng Long Giao còn cần phải có thời gian cũng như tâm huyết của những nhà nghiên cứu

Tài Liệu Tham Khảo

Phạm Đức Mạnh , “Qua Đồng Long Giao (Đồng Nai) , Khảo Cổ Học 1/1985 trang (37-68)

Đỗ Bá Nghiệp , Phạm Đức Mạnh (1984) , “Về Nhóm Qua Đồng Mới Phát Hiện Ở Long Giao (Đồng Nai) , Văn Hóa Óc Eo và Các Văn Hóa Cồ Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long” , NXB Sở Văn Hóa Thông Tin An Giang

Lê Xuân Diệm , Phạm Quang Sơn , Bùi Chí Hoàng (1991) , Khảo Cổ Đồng Nai , NXB Đồng Nai

http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn/default.aspx?param=E1F0a2V5d29yZD1xJmtpbmQ9c3RhcnQ=)

http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2394%3Anhng-qphn-t-anh-duq-quan-h-trung-hoa-va-nam-b-vit-nam-thi-th-s&catid=121%3Aht-vit-nam-trung-quc-nhng-quan-h-vn-hoa-vn&Ite

http://dzunglam.blogspot.com/2009/09/van-hoa-ong-nai.html

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111213/tuong-dong-te-te.aspx



[1] Phạm Đức Mạnh “Qua Đồng Long Giao (Đồng Nai)” Khảo Cổ Học 1/1985 , trang 53

[2] Phạm Đức Mạnh “Qua Đồng Long Giao (Đồng Nai) Khảo Cổ Học 1/1985 , trang 54

[3] Phạm Đức Mạnh “Qua Đồng Long Giao (Đồng Nai) Khảo Cổ Học 1/1985 , trang 54

[4] Phạm Đức Mạnh “Qua Đồng Long Giao (Đồng Nai) Khảo Cổ Học 1/1985 , trang 62

[6] Phạm Đức Mạnh “Qua Đồng Long Giao (Đồng Nai) Khảo Cổ Học 1/1985 , trang 58