Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Ý Nghĩa Các Biểu Tượng Trang Trí Tại Đình, Chùa, Lăng, Miếu Ở TP.Hồ Chí Minh

        Giải Thích Ý Nghĩa Các Biểu Tượng Trang Trí Tại Đình, Chùa, Lăng, Miếu Ở TP.Hồ Chí Minh .

                                          Lời Tựa  

        
         Đất nước Việt Nam có một vị trí địa lý chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, vị trí chiến lược ấy thể hiện là cầu nối giữa khu vực Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, đây là một trạm dừng chân, một ngã tư đường trong những chuyến hải trình từ thời cổ đại mang theo nó là những đoàn thương nhân, truyền đạo, những nền văn minh trong khu vực và trên thế giới. Chính bởi vị thế chiến lược này, nên từ rất sớm sự giao lưu văn hóa đã diễn ra ở đây một cách mạnh mẽ và liên tục trong suốt hàng nghìn năm lịch sử. Từ hai nền văn minh lớn trong khu vực đó là Ấn Độ và Trung Quốc, nền văn minh Việt Nam có cơ hội hấp thu, tiếp nhận và bản địa hóa những yếu tố văn minh ngoại nhập góp phần làm đa dạng và phong phú cho nền văn minh vật chất và tinh thần to lớn của chính mình .

Văn minh vật chất của người Việt rất đa dạng và phong phú, ẩn trong đó là cái hồn, cái tinh hoa của cả một nền văn hóa trong sự giao lưu, tiếp nhận, đan xen và bản địa hóa. Trong khuôn khổ giới hạn của bài viết này người viết xin trình bày một mảng nhỏ trong nền văn minh vật chất to lớn của người Việt đó là những biểu tượng trang trí trong các đình, chùa, lăng miếu tại khu vực TP. Hồ Chí Minh. Những biểu tượng này vừa có giá trị thẩm mỹ to lớn lại vừa mang trong mình những tinh hoa và ý nghĩa triết lý thâm sâu mà cổ nhân muốn truyền đạt lại cho hậu thế thông qua những tác phẩm có tính nghệ thuật cao, được tạo tác công phu, cầu kỳ, tỷ mỷ từ đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân nước Việt trong suốt chặng đường lịch sử đầy biến động, hào hùng của dân tộc.  

Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng biểu tượng là sản phẩm của quá trình tư duy trừu tượng đã được khái quát, cô đọng ở mức độ cao nhất. Chính vì thế, biểu tượng mang ý nghĩa to lớn trong việc truyền tải thông tin, ý tưởng của các thế hệ tiền nhân đi trước, do đó việc giải mã các biểu tượng này cũng cần phải có một tư duy mang tính trừu tượng nhất định. Mặt khác các biểu tượng trong quá trình giao lưu, đan xen văn hóa có sự tác động qua lại, tính dân tộc đã làm bản địa hóa, tạo nên những biến đổi về hình thức làm cho các biểu tượng này càng thêm phần phức tạp, khó hiểu, khó tiếp cận .   

Các biểu tượng trang trí trong các đình, chùa, lăng, miếu ở Việt Nam nói chung có lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu, khó có thể biết được thời gian chính xác hình thành các biểu tượng này, cố nhiên các biểu tượng trong diễn trình lịch sử có sự giao lưu và biến đổi theo từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử nên ít nhiều cũng có những thay đổi về mặt hình dáng hay cách thể hiện hình thức của biểu tượng ấy. Tuy nhiên, vể cơ bản thì nội dung ẩn chứa bên trong những biểu tượng đó là không thay đổi .

Theo dòng chảy của lịch sử cộng với những biến động có tính chính trị - xã hội của đất nước, vùng đất phương Nam trù phú dần được khai phá, mở mang thêm trù phú, tốt tươi. Những lưu dân của vùng Thuận – Quảng đã mang theo hành trang là cả một nền văn hóa vật chất và tinh thần to lớn của người Việt vào miền đất mới! Chính tại nơi đây, trong công cuộc khai hoang lập ấp đầy khó khăn của mình những lưu dân Việt đã xây dựng những đình, chùa, lăng miếu phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng truyền thống. Những ngôi đình, ngôi chùa hay lăng miếu này, ban đầu được xây dựng đơn sơ, giản dị nhưng dần dà cùng với đời sống vật chất no đủ của người dân vùng đất mới thì những công trình này ngày càng to lớn và được hoàn thiện về mọi mặt. Nhưng dù là một ngôi đình, ngôi chùa nhỏ bé lẩn khuất sau những hàng cây, rặng tre của miền quê sông nước yên ả hay tới những ngôi đình, những tòa đại bửu sát uy nghi tráng lệ của một vùng đô hội “trên bến dưới thuyền” thì những biểu tượng trang trí trong những công trình kiến trúc này là không thể thiếu. Những biểu tượng ấy có thể xem là một phần tinh hoa trong văn hóa truyền thống của người Việt mang đậm chất tư duy trừu tượng của những triết lý nhân sinh !

Nghệ thuật điêu khắc, trang trí biểu tượng trong những công trình kiến trúc cổ của Việt Nam nói chung cũng như tại khu vực Nam bộ nói riêng phần lớn tập trung vào những motip hoa văn, phù điêu thuộc những chủ đề cơ bản bao gồm:  thiên nhiên, các loài cây cỏ hoa trái và các loài linh thú, động vật dưới nước hay trên cạn. Những khung cảnh thiên nhiên sóng nước bao la, những loài cây, danh mộc tượng trưng cho sự thanh cao thuần khiết chính trực của con người như Tùng, Trúc, Cúc, Mai…….dây lá hóa rồng, những loài linh thú của bộ tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) hay đến những loài động vật dân dã như cá chép, chim muông, sóc, dơi…v….v….Tất cả những biểu tượng đó đều được bàn tay khéo léo của những nghệ nhân tạo tác thành những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao, làm tôn thêm vẻ tráng lệ, đường bệ của tổng thể kiến trúc cũng như mang những ý nghĩa triết lý thâm sâu của tiền nhân đi trước. Chính vì thế, việc nghiên cứu và giải thích các biểu tượng, phù điêu trang trí trong hệ thống đình, chùa, lăng miếu đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm về nguồn cội, cũng như hiểu được, thẩm thấu được cái tinh hoa ẩn tàng, những giá trị văn minh vật chất và tinh thần to lớn của người Việt .  


           I/ Các Biểu Tượng Trang Trí Hình Linh Thú Và Động Vật Thường Thấy Trong Đình, Chùa, Lăng Miếu Tại Khu vực Thành Phố Hồ Chí Minh

a/ Trang Trí Đề Tài Tứ Linh

Bộ Tứ Linh bao gồm: Long, Lân, Quy, Phụng vốn là bốn linh vật linh thiêng trong truyền thống văn hóa của người Việt. Trong bốn linh vật kể trên thì hai linh vật đầu gồm Long, Lân là những sản phẩm do trí tưởng tượng của con người được hình thành, tạo tác nên từ việc lắp ghép những bộ phận khác nhau của những loài động vật khác nhau. Hai linh vật sau là “Quy” và “Phụng” vốn là những con vật có thật được thêm vào để trở thành bộ tứ linh với những ý nghĩa triết học sâu sắc.

Nếu như trong xã hội phong kiến phương Bắc thì bộ tứ linh dường như là sản phẩm, biểu tượng chỉ giành riêng cho chính quyền phong kiến thì ở Việt Nam lại có sự khác biệt tương đối rõ rệt ở chỗ chính quyền phong kiến Việt Nam không chỉ độc chiếm việc sử dụng trang trí tứ linh cho riêng bản thân mình mà những motip trang trí này còn được sử dụng rộng rãi trong hệ thống các kiến trúc dân gian như đình, chùa, lăng miếu…..Và theo một lẽ tự nhiên, những linh vật này tồn tại và bám rễ rất sâu trong hệ thống văn hóa – tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Những linh vật này được thổi vào mình cái luồng khí linh thiêng nghìn năm của văn hóa, đất nước, dân tộc Việt Nam.

Cũng do ăn sâu vào tiềm thức người Việt nên “tứ linh” đã theo hành trang của những lưu dân xứ Thuận – Quảng vào khai phá vùng đất Nam bộ trù phú để rồi được thể hiện sống động trong những công trình “tín ngưỡng – tôn giáo” dân gian như đình, chùa, lăng miếu với những phong thái mang dáng dấp của vùng Nam bộ trù phú, tốt tươi. Trong tứ linh đứng đầu là “Long” tức là con rồng, chúng ta thấy rằng con rồng đã gắn bó từ buổi đầu với nền văn minh sông nước của người Việt, hình ảnh những con Giao Long trên chuôi gươm đồng trong nền văn hóa Đông Sơn cách nay hơn 2500 năm được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng là tiền thân của hình ảnh con rồng sau này. Mặt khác, nguồn gốc của người Việt với truyền thuyết “con rồng cháu tiên” đầy tự hào cũng cho thấy mối liên hệ mật thiết của hình tượng con rồng trong tâm thức người Việt. Hình ảnh con rồng được tưởng tượng từ sự lắp ghép nhiều bộ phận khác nhau của nhiều loài thú khác như: mặt cá sấu, tai thú, trán lạc đà, mũi sư tử, móng chim ưng... và là một loài có sức mạnh vô song thường được biểu trưng cho hình ảnh của Vua trong chế độ phong kiến. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên hình tượng con rồng cũng phát triển mạnh mẽ trong nghệ thuật, kiến trúc dân gian chứ không chỉ là của riêng giai cấp phong kiến! Có chăng sự khác biệt chỉ là ở chỗ con rồng tượng trưng cho Vua thì có năm móng còn con rồng trong kiến trúc nghệ thuật dân gian chỉ có ba hoặc bốn móng. Hình tượng rồng được tạo tác rất nhiều trong các công trình tín ngưỡng – tôn giáo dân gian của Việt Nam mà tiêu biểu có thể thấy trong các công trình kiến trúc đình chùa trên cả nước nói chung và khu vực tp. Hồ Chí Minh nói riêng. Trong các ngôi đình tại khu vực tp.HCM, hình tượng con rồng thường được thể hiện trước nhất trên nóc của ngôi đình với motip “Lưỡng Long Triều Nhật” hay “Lưỡng Long Tranh Châu” ở vào vị trí quan trọng và tôn nghiêm nhất như vậy chắc hẳn hình tượng rồng phải mang một ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc nào đó ? Trước hết, chúng ta nhận thấy rằng ngôi đình làng dù ở Bắc bộ, Trung bộ, hay Nam bộ thì đều có ba chức năng chính đó là: chức năng hành chính, chức năng tín ngưỡng và chức năng văn hóa. Ba chức năng này thống nhất với nhau trong một chỉnh thể của ngôi đình. Như thế ở chức năng đầu tiên là chức năng hành chính thì phải chăng hình tượng con rồng ở vị trí quan trọng nhất chính là biểu tượng cho chính quyền phong kiến ở mỗi làng quê nước Việt ? Ở chức năng thứ hai là chức năng tín ngưỡng – văn hóa thì hình ảnh con rồng tượng trưng cho nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Chữ “Long” tại các đình chùa là chữ Hán, tuy nhiên theo những nhà ngôn ngữ cổ Đông Nam Á thì chữ long là vốn có phiên âm từ âm cổ “klong” hoặc “krong” vốn có nghĩa là sông nước, tới đây liệu rằng chúng ta đã có thể phần nào hình dung hay mường tượng về mối dây liên hệ giữa hình tượng con rồng với những đồng ruộng lúa nước vốn là cái nôi của nền văn minh người Việt. Mặt khác, đối với nền văn minh nông nghiệp lúa nước thì nguồn nước đóng một vai trò quan trọng quyết định tới mùa vụ nông nghiệp và phải chăng, việc đặt hình tượng cặp lưỡng long trên đỉnh nóc ngôi đình cũng mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa mùa màng tốt tươi.  

Motip lưỡng long triều nhật hay lưỡng long triều nguyệt được thể hiện ở dạng cặp đôi như thế có rất nhiều khả năng sẽ có một con đực và một con cái biểu tượng cho lối tư duy lưỡng nguyên có âm có dương của cư dân nông nghiệp. Nhờ có âm có dương mà sản sinh ra mọi thứ và mùa màng bội thu, đây là hình thức tín ngưỡng phồn thực rất phổ biến trong các nền văn minh nông nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều nơi trên thế giới trong đó đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra trong các ban thờ, hay các bức bao lam trong điện thờ tại những ngôi đình khu vực tp.HCM cũng có chạm nổi hay chạm lộng hình ảnh rồng có giá trị thẩm mỹ cao, được sơn son thiết vàng hết sức cầu kỳ tinh xảo.

Trong kiến trúc chùa, hình tượng rồng cũng được thể hiện rất nhiều tuy nhiên hình tượng rồng trong chùa hoàn toàn không hề có ý thể hiện quan niệm “Vương quyền” của chế độ phong kiến mà đó là sự hộ trì và khuất phục trước sức mạnh của Phật pháp. Trong các ngôi chùa thường có bức tượng “Cửu long” thể hiện chín con rồng phun nước tắm cho đức phật lúc ngài đản sinh. Hình tượng rồng cũng được điêu khắc trên những bệ tượng ngồi của đức phật, điều đó thể hiện sự khuất phục của loài mãnh thú trước sức mạnh Phật pháp vô biên .

Linh vật thứ hai trong bộ tứ linh là “Lân”. Lân thực chất có tên gọi đầy đủ là kỳ lân trong đó “Kỳ” là con đực còn “Lân” là con cái. Cặp kỳ lân cũng thường được trang trí trong các công trình kiến trúc như đình, chùa, lăng miếu với nhiệm vụ bảo vệ cũng như mang đến những điềm may mắn. Theo truyền thuyết thì kỳ lân cũng thường báo hiệu cho sự xuất hiện của một hiền nhân ! Là một con vật của trí tưởng tượng, kỳ lân cũng có hình dạng của sự lắp ghép các bộ phận khác nhau của nhiều loài thú chẳng hạn như: có sừng nai, tai chó, trán lạc đà, mắt quỷ, thân ngựa, chân hươu, đuôi .

Tuy nhiên, trong cách thể hiện, kỳ lân cũng có ít nhiều những biến đổi tùy theo từng vùng miền. Tại các công trình kiến trúc cổ ở tp.HCM, thì hình ảnh kỳ lân và các biến thể của nó như Long Mã là rất thường thấy vừa có tác dụng tăng thêm phần uy nghi, lại vừa mang trong mình những ý nghĩa thâm sâu của các bậc tiền nhân đi trước. Long Mã là một trong những biến thể về hình dáng của kỳ lân, với đầu rồng mình ngựa, toàn thân có vảy rồng chạy trên sóng nước hình dáng vô cùng dũng mãnh thường được thể hiện trong các bức bình phong tiền hay hậu của lăng mộ các vị võ tướng . Vì sao Long Mã lại hay được thể hiện trong các lăng mộ ? có lẽ bởi vì “Long” là rồng, rồng thì phải bay lên biểu thị cho trục tung còn “Mã” là ngựa, ngựa chạy trên mặt đất tức là trục hoành . Như vậy Long Mã là hình ảnh biểu trưng cho sự tung hoành của đấng nam nhi trong thiên hạ, cũng vì lẽ đó mà trong lăng mộ các bậc võ tướng như Tả Quân Lê Văn Duyệt , hay Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu, Bình Giang Quận Công Võ Di Nguy….. đều có bức bình phong với phù điêu Long Mã cõng Hà Đồ như biểu trưng cho chí khí cũng như sự tận trung báo quốc của các vị danh tướng này .

Linh vật thứ 3 trong bộ tứ linh là “Quy” quy là rùa. Rùa là linh vật xuất hiện trong hầu hết các đình, chùa, lăng, miếu tại Việt Nam. Với dáng vẻ vững chắc được tạo nên bởi bốn chân xòe rộng theo chiều ngang và chiếc mai cứng tạo nên sự vững chắc cho toàn bộ thân thể. Rùa thường tượng chưng cho sự vững chắc lâu bền, đồng thời rùa cũng là loài vật có tuổi thọ rất lâu nên cũng mang hàm ý biểu trưng cho sự trường thọ. Trong các đình, chùa, lăng miếu rùa thường đi với hạc trong motip hạc đứng trên lưng rùa. Hạc cũng là con vật rất linh thiêng và thanh cao được nhận thấy dễ dàng ngay trong hình dáng của chúng với chiếc cổ và chân dài, toàn bộ cơ thể thanh mảnh toát lên sự quý phái thanh lịch. Hạc đứng trên lưng rùa có ý nghĩa trước hết ở mặt hình tượng rất sâu sắc, cái thanh mảnh của hạc đứng trên cái vững chắc của rùa tạo nên sự trường tồn của cái tao nhã, thanh cao. Mặt khác hạc là linh vật mang dương khí, còn rùa là linh vật thuộc hành thủy đại diện cho hướng Bắc và mang âm khí, như thế phải chăng motip hạc trên lưng rùa biểu trưng cho sự giao hòa âm dương ? Bên cạnh đó rùa luôn luôn biểu hiện cho tính chịu đựng nhẫn nhịn cả đời mang vác nặng mà chả chút lầm than : “thương thay thân phận con rùa, xuống sông đội đá lên chùa đội bia” đức hạnh nhẫn nhịn là một đức tính vô cùng quý trong đạo phật ! con rùa có lẽ cũng là biểu tượng của đức tính này .

Linh vật thứ tư trong “Tứ Linh” thường được trang trí tại đình, chùa, lăng, miếu là “Phụng” phụng là chim phụng. Theo một số quan điểm thì phụng là chim cái còn loan là chim đực. Chim phụng có hình dáng đẹp đẽ và to lớn với từng bộ phận trên cơ thể mang những ý nghĩa biểu trưng cao : “đầu đội công lý và đức hạnh, mắt tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, lưng cõng bầu trời, cánh là gió, đuôi là tinh tú, lông là cây cỏ, chân là đất. Như vậy nó tượng trưng cho bầu trời, khi nó bay hoặc múa (phụng vũ) là tượng trưng cho sự hoạt động của vũ trụ”[1]chim phụng thường được trang trí trong những bức bao lam tại các ngôi cổ tự tại tp.HCM hay trên các bờ dốc mái của những đình, chùa, lăng miếu. Chim phụng cũng tượng trưng cho hình tượng của thánh nhân và sự đức hạnh .

B/ Biểu Tượng Một Số Loài Vật Khác

Ngoài bộ tứ linh được trang trí như đã trình bày, trong phần lớn các đình, chùa, lăng miếu tại khu vực tp.HCM nói riêng và cả nước nói chung thì bên cạnh đó những loài thú khác cũng được tạo tác khéo léo trong các công trình kiến trúc này với những đường nét và nghệ thuật tạo hình vô cùng đặc sắc góp phần hình thành nên sự uy nghiêm, kính cẩn cho toàn bộ kiến trúc. Trong số những loài vật đó, đầu tiên phải kể đến là hình ảnh con hổ .

Hổ là một loài mãnh thú được mệnh danh là chúa tể sơn lâm có sức mạnh làm kinh sợ muôn loài. Trong các ngôi đình ở Nam Bộ nói chung và khu vực tp.HCM nói riêng thì hình ảnh hổ xuất hiện rất nhiều trong các bức bình phong và được dân gian tôn kính gọi với cái tên là “ông hổ” Theo quan niệm dân gian thì “ông hổ” có khả năng tiêu trừ tà ma bảo vệ cho đình chùa, miếu võ. Ngoài ra hình ảnh ông hổ được tạo tác to lớn, đầy vẻ dũng mãnh cũng làm cho toàn bộ khung cảnh của nơi thờ tự thêm phần uy nghi tôn nghiêm. Những ngôi đình nổi tiếng tại tp.HCM như : đình Thông Tây Hội (quận Gò Vấp), đình Hạnh Thông (quận Gò Vấp), đình Bình Đông (quận 8), đình Phú Nhuận (quận Phú Nhuận)…… đều có những bức bình phong thể hiện ông hổ trong tư thế uy dũng, tráng kiện.       

Hình tượng con ngựa cũng là motip rất thường thấy trong các ngôi đình cổ ở Nam bộ. Cặp ngựa thường được chưng phía trước khám thờ thần trong chính điện với kích thước như ngựa thật. Con ngựa biểu trưng cho sự dũng mãnh, tận tụy và trung thành, nên thường có câu : “khuyển mã trung thành”mặt khác con ngựa cũng là loài động vật ăn cỏ, tính thường hiền lành toát lên vẻ thanh cao. Ngựa gắn với chiến trận, đao binh và là vật cưỡi không thể thiếu của các vị danh tướng. Quan điểm dương sao âm vậy chính là tiền đề cho việc trưng bày cặp ngựa trong chính điện của những ngôi đình hay lăng miếu với mục đích làm vật cưỡi cho những vị : “sinh vi tướng tử vi thần”!

Hình tượng con cá “Ngư” cũng được thể hiện một cách sống động trong hầu hết những chi tiết chạm khắc trang trí tại các công trình kiến trúc cổ. “Ngư” đồng âm với « dư » có nghĩa là dư giả sung túc, hình ảnh con cá thường được thể hiện trong các motip hoa văn sóng nước tạo nên sự hòa hợp trước hết về mặt cảm quan. Ngoài ra ở khu vực nam bộ nói chung thì con cá đã trở nên rất thân thiện với con người bởi môi trường sông nước đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân nơi đây .

Hình ảnh của những chú dơi cũng thường thấy tại những motip trang trí trong những công trình kiến trúc đình, chùa, miếu võ. Đây là motip trang trí ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa bởi lẽ trong tiếng Hán con dơi đồng âm với chữ « Phúc ». Trang trí con dơi cũng nhằm mục đích mong muốn phúc đức, (phúc đáo). Trong các bức bao lam chạm khắc tại chùa Giác Viên hay Giác Lâm có rất nhiều các biểu tượng hình con dơi cũng với ý nghĩa như đã nêu ở trên .

Một motip rất thường thấy trong các bức bao lam hay trang trí chạm nổi tại các ban thờ, khám thờ ở Nam Bộ đó là motip bá điểu và sóc nho. Phải chăng do môi trường thiên nhiên trù phú, giàu có của vùng đồng bằng Nam Bộ mà những con vật trên được tạo tác với một dáng vẻ rất thản nhiên mặc sức vui đùa, leo trèo và bay lượn. Không có một sự gò bó nào trong từng đường nét thể hiện và điều ấy dường như cũng phản ánh tính cách của con người Nam Bộ ưa phóng khoáng tự do ?

II/ Các Biểu Tượng Trang Trí Thiên Nhiên Tại Đình, Chùa, Lăng Miếu ở Tp.HCM

Môi trường thiên nhiên luôn có những tác động to lớn tới mọi hoạt động sống của con người, từ rât sớm con người đã khéo léo thể hiện một cách sinh động môi trường thiên nhiên thông qua các hoạt động có tính nghệ thuật của mình. Trong nền mỹ thuật tôn giáo-tín ngưỡng tại Việt Nam, hình ảnh thiên nhiên luôn được khéo léo lồng ghép trong từng họa tiết tạo nên nét độc đáo, mỹ thuật trong toàn thể kiến trúc. Không chỉ dừng lại ở đấy, các hình ảnh thiên nhiên được tạo tác ngoài tính chất nghệ thuật còn mang trong mình những triết lý uyên thâm sâu sắc mà tiền nhân đã biểu tượng hóa, nghệ thuật hóa thành những biểu tượng có giá trị nhân văn cao đẹp làm nền tảng cho những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Một trong các biểu tượng trang trí có tính thiên nhiên tại các đình, chùa, lăng miếu ở khu vực tp.HCM nói riêng cũng như cả nước nói chung là những biểu tượng cây cối, hoa lá tượng trương cho mùa cũng như những phẩm chất đạo đức thanh cao của con người như : Tùng, Trúc, Cúc, Mai........  Cây tùng vốn là loài cây thân mộc, thường to lớn (cao từ 15-20m) mọc ở xứ hàn, trên những sườn non cao, sức sống mạnh mẽ bền bỉ, bốn mùa cây đều xanh tốt, vương lên trên đất đồi núi khô cằn, sỏi đá tượng trưng cho ý chí mạnh mẽ, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách của cuộc đời. Cây Tùng thường mọc ở những nơi rừng sâu núi thẳm, rêu phong trầm mặc tượng trưng cho sự ẩn cư, thoát tục của bậc thánh nhân trong thiên hạ. Trong trang trí đình, chùa, miếu võ cây tùng thường được tạo tác thật nghệ thuật trong motip Tùng-Hạc quen thuộc, cách thể hiện sự phối hợp giữa hai loại động thực vật có giá trị biểu trưng cho sự thanh cao này đem đến nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, motip này thường được thể hiện bằng cách chạm khắc trên bộ khung sườn của kiến trúc hay trên những bộ vì kèo gỗ bằng danh mộc thường thấy. Bên cạnh cây Tùng mạnh mẽ, uy nghiêm, tượng trưng cho dáng dấp của người quân tử thì hình ảnh cây Trúc lại mang một dáng vẻ cũng rất thanh cao, biểu hiện sự nho nhã của bậc nho sinh. Cây trúc vốn rỗng ruột và luôn mọc thẳng thể hiện sự chí công vô tư, không để bụng, không luồn cúi cầu danh lợi, đây là bản chất của người quân tử. Xét về mặt mỹ thuật, toàn bộ cây trúc từ gốc, thân, lá đều mọc một cách hài hòa, cân xứng dáng hình thanh thoát biểu trưng cho sự thanh cao, thuần khiết. Mặt khác, cây trúc cũng thường mọc rất nhiều ở khu vực Á Đông nó cũng phù hợp và từ lâu đã trở thành biểu tượng của nghệ thuật trang trí, chạm khắc tại rất nhiều quốc gia thuộc xứ sở huyền bí này.

Hoa Cúc là một motip quen thuộc thường thấy trong nghệ thuật trang trí tại phần lớn đình, chùa. Hoa cúc có màu vàng biểu thị cho sự đài các, kiêu sa, vương giả, phú quý. Hoa cúc là biểu tượng của mùa thu, nó phảng phất một chút buồn nhè nhẹ, thanh cao ở độ giữa thu trong cái tiết trời se lạnh, khiến người ta bâng khuâng, xao xuyến, trầm lắng. Hình ảnh hoa cúc thường được khéo léo tạo tác khá nhiều trong những ngôi đình, chùa tại tp.hcm nói riêng cũng như cả nước nói chung, tại đó hoa cúc thường được thể hiện với môtip dây lá hòa quyện vào nhau trong những bức bao lam, vì kèo (thường là bộ Cúc-Trĩ) hay trong những bức tranh giàu cảm xúc về mùa thu. Hoa cúc cũng thường được chạm khắc trong tư thế khai hoa thể hiện sự viên mãn, tràn đầy, ấm no hạnh phúc. Bên cạnh hoa cúc thì trong trang trí mỹ thuật tại hệ thống đình, chùa, lăng miếu hoa mai cũng luôn được thể hiện một cách thanh lịch tao nhã gợi nên sắc xuân tươi vui ngập tràn. Cây mai với thân hình rắn chắc, phong sương, hấp thu sinh khí của trời đất đơm hoa vào mùa xuân là mùa mà trời đất giao hòa, vạn vật tốt tươi, có hai loại mai, mai trắng (bạch mai) tượng trưng cho sự trong trắng, thuần khiết nơi chốn tâm linh, mai vàng (màu vàng thuộc hành thổ, tượng trưng cho sự phú quý, anh lành). Hoa mai thường có nhiều cánh đan xen vào nhau với mùi hương thoang thoảng thể hiện sự trang nhã, thanh tịnh. Trong trang trí mỹ thuật hình ảnh cây mai thường được tạo tác với dáng vẻ xù xì ở phần thân gốc, cành thường khẳng khiu thể hiện dáng già nua trầm mặc, đặc biệt trong các motip chạm khắc trong các bao lam, cửa võng cây mai thường được tạo dáng « hóa rồng » để tăng thêm phần trang trọng cũng như tính mỹ thuật của tác phẩm. Bên cạnh đó, hoa mai cũng thường được phối trí thể hiện trong bộ mai điểu truyền thống làm tăng tính nghệ thuật, nho nhã cho toàn bộ kiến trúc.  

Hoa đào cũng là biểu tượng của mùa xuân ở những vùng hàn đới, hoa đào từ lâu đã đi vào thơ ca, nghệ thuật không chỉ ở việt nam mà rất nhiều quốc gia khác ở khu vực châu á như : trung quốc, nhật bản, triều tiên…… hoa đào với sắc đỏ, điểm xuyến trong cái tiết trời se lạnh đầu xuân của vùng hàn đới tạo nên bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp, hữu tình. Cũng giống như hoa mai, cây hoa đào thường khẳng khiu, xù xì thể hiện sự trường thọ nhưng cũng nhất bậc thanh cao. Hoa đào còn tượng trưng cho vẻ đẹp hiều hậu, nhân từ của người phụ nữ Á đông (người phụ nữ đẹp có đôi má đào hồng hây hây) trong điêu khắc trang trí, toàn thể cây hoa đào cũng thường được mô tả một cách sinh động với dáng vẻ « hóa long » hoặc phối hợp với môtip dây lá cầu kỳ, mang tính nghệ thuật cao. Tuy nhiên mô thức này thường được sử dụng trong những ngôi đình, chùa có niền đại khá muộn.

Bên cạnh bốn loài hoa đặc sắc nói trên, trong trang trí mỹ thuật tại các công trình kiến trúc cổ ở tp.hcm nói riêng cũng như cả nước nói chung còn có một số loài hoa trái, dây lá, thực vật khác cũng thường được sử dụng trong trang trí với tính nhân văn, biểu trưng cho sự thanh cao, thoát tục của chốn linh thiêng như : Hoa sen, hoa mẫu đơn, bầu hồ lô, quả lựu, nho, các hoa văn motip dây lá hóa rồng........ cũng đều được tạo tác hết sức cầu kỳ cho thấy trình độ mỹ thuật của người thợ thủ công đương thời cũng như những quan niệm nhân sinh quan có tính triết học sâu sắc. Hoa sen vốn rất quen thuộc với người Việt, là một loài hoa được biết đến trong các tôn giáo lớn của nhân loại như : Phật giáo, Hindu giáo, hoa sen mang trong minh một tinh thần nhân văn sâu sắc. Hoa sen mang một nét đẹp giản dị và thuần khiết, mùi hương thoang thoảng thật nhẹ mọc lên từ ao hồ, sình lầy song hoa sen luôn toát lên vẻ thanh cao, thoát tục nó biểu trưng cho sự gìn giữ, tu dưỡng phẩm hạnh giữa đời thường còn nhiều ô tạp của bậc chính nhân. Hoa sen được trang trí rất nhiều trong những ngôi chùa dù lớn hay nhỏ trong cả nước bởi loài hoa này thường gắn với rất nhiều phật tích. Đức Thế tôn sinh ra và bước đi lần đầu tiên trên 7 bông hoa sen, Padmasambhava hay bồ tác Liên hoa sinh cũng sinh ra từ bông hoa sen, rõ ràng hoa sen có ý nghĩa và vị trí rất quan trọng trong đạo phật. Trong trang trí mỹ thuật, hoa sen thường được tạo tác làm bệ ngồi cho đức phật, chư phật trong tư thế tọa thiền kiết già. Hoa sen cũng thường được trang trí trong các bức tranh treo ở chính điện, nhà trai hay giảng đường. Trong những chi tiết kết cấu của bộ khung sườn, hoa sen cũng thường được tạo tác khéo léo trên những bộ vì kèo bằng gỗ với phương pháp chạm thủng mang đến những tác phẩm nghệ thuật thật ý nghĩa. Những viên gạch mộc mạc tại sân chùa vốn yên ả, tĩnh lặng cũng thường được in chìm hình hoa sen làm cho tha nhân, hành giả đến chùa cảm nhận được sự yên ả, tĩnh lặng, vi diệu từ sâu thẳm trong tâm hồn khiến con người thanh thản hơn, gạn đục khơi trong hơn để hướng tới cái chân lý uyên thâm, mầu nhiệm của phật pháp.

Hoa mẫu đơn cũng là một loài hoa thường được tạo tác trong các công trình kiến trúc mỹ thuật, mẫu đơn là một loài hoa có nguồn gốc từ phương Bắc (Trung quốc) hoa có nhiều cánh, sắc hồng hoặc đỏ, có kính thước khá lớn được cấu thành từ nhiều cánh hoa. Hoa mẫu đơn có một vẻ đẹp sang trọng, viên mãn và quý phái. Ngoài vẻ đẹp thẩm mỹ vốn có của mình, hoa mẫu đơn còn có nhiều dược tính phục vụ vào việc chữa bệnh cho con người. Hoa mẫu đơn thường được trang trí trong các bao lam, cửa võng hay tại các ban thờ bằng gỗ với phương pháp chạm thủng hoặc chìm truyền thống tại các công trình kiến trúc như đình, chùa. Hoa mẫu đơn thể hiện sự sang trọng, quý phái, vương giả. Bên cạnh đó, trong đời sống vợ chồng nó còn thể hiện sự đầm ấm, hạnh phúc lứa đôi. Nói chung, việc tạo tác hoa mẫu đơn trong các đồ án trang trí mỹ thuật tại các công trình kiến trúc có tính tôn giáo-tín ngưỡng trước hết góp phần tạo nên vẻ đẹp trong lĩnh vực thẩm mỹ cũng như làm tăng thêm sự trang nhã, sang trọng, giá trị cho toàn thể kiến trúc đồng thời qua đó gửi gắm ước mong về sự hạnh phúc, viên mãn, an lành đầy đủ tới thế giới tâm linh truyền thống của người Việt, đó là bản sắc văn hóa, là những gì tinh hoa, thanh lịch của dòng chảy văn hóa Việt Nam trong sự giao lưu, chọn lọc, tiếp thu với các nên văn hóa trong khu vực và trên thế giới.

Tại vùng Nam bộ trù phú, được thiên nhiên ưu đãi, đất đai phù sa, tươi tốt, cây trái xum xuê trĩu quả, cuộc sống người dân sung túc, an vui. Sự thể hiện các lọai cây trái như bầu, nho, lựu…… vào các họa tiết trang trí mỹ thuật trong các công trình kiến trúc phần nào thể hiện cái triết lý về sự đầy đủ, ấm no trong cuộc sống từ đó con người ta cảm thấy thoải mái hơn, lạc quan hơn, đường đạo dường như cũng thênh thang rộng mở hơn. Ngoài ra các loài hoa trái được tạo tác hết sức cầu kỳ với kỹ thuật chế tác tinh xảo góp phần tạo nên vẻ đẹp thẩm mỹ trong các cấu kiện kiến trúc đình, chùa, lăng miếu. Các môtip cây trái trên thường được tạo tác trong các bức bao lam, cửa võng hay tại các mặt diềm của các ban thờ theo dạng dây lá, hoa trái. Đặc biệt trong các trang trí dạng ô hộc tiêu biểu cho lối kiến trúc triều Nguyễn thì bên trong các ô hộc này thường trang trí cây lá kết hợp với hoa trái thật cầu kỳ và tinh xảo.

Văn hóa Việt Nam từ rất sớm đã luôn hòa nhập, gần gũi, thích ứng với thiên nhiên, phát triển trên nền tảng thiên nhiên nên sẽ không có gì là khó hiểu khi trong các họa tiết trang trí truyền thống của người Việt tại các công trình kiến trúc xuất hiện các biểu tượng có tính thiên nhiên như : mây, nước, sóng, gió, tia chớp, mặt trời, mặt trăng, lưỡng nghi……. Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp lúa nước nên các yếu tố thiên nhiên luôn chiếm một vị trí thật quan trọng, quyết định cuộc sống của cư dân nơi đây từ thời tiền sơ sử. Trong các đồ án trang trí trên mặt trống đồng Đông Sơn hay Ngọc Lũ, chúng ta thấy xuất hiện các họa tiết chèo thuyền, các mái nhà có mái dạng thuyền, liên quan mật thiết tới môi trường sông nước. Truyền thống ấy được lưu truyền, gìn giữ trong suốt dòng chảy của lịch sử và luôn được khéo léo tạo tác, thể hiện trong các tác phẩm nghệ thuật trang trí tại đình, chùa, lăng tẩm. Việc tạo tác các đồ án trang trí này mang lại những giá trị mỹ thuật to lớn góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng nghệ thuật kiến trúc của Việt Nam. Các hiện tượng thiên nhiên trong cuộc sống con người đã được quan sát và khéo léo thể hiện trong các biểu tượng, thể hiện tính lưỡng nguyên, tuần hoàn của thiên nhiên, vũ trụ, trong đó tiêu biểu là biểu tượng « lưỡng nghi » . Lưỡng nghi là khởi nguyên của vạn vật, được miêu tả là một vòng tròn có hình chữ S ở giữa chia đôi hình tròn thành hai phần, mang tính chất đối lập nhau. Trong mỗi phần đối lập ấy lại có một chấm nhỏ thể hiện tính chất của phần đối lập kia. Hình tượng lưỡng nghi từ lâu đã có ý nghĩa triết học sâu sắc, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vô lượng. Từ đấy có thể thấy rằng lưỡng nghi là nguồn cội, là khởi phát cho mọi hoạt động sinh sống và phát triển của vạn vật trên trái đất này.

Lưỡng nghi phù hợp với lối tư duy lưỡng nguyên của người Việt, mọi sự vật trong vũ trụ đều có âm, có dương, động thực vật có giống đực, giống cái, con người thì có nam, nữ. Khi âm dương giao hòa, cân bằng thì vạn vật nảy sinh, phát triển mặt khác khi âm dương bị mất cân bằng thì sẽ gây nên sự xáo trộn, diệt vong. Tư duy ấy quan hệ chặt chẽ với tín ngưỡng phồn thực của người Việt, tín ngưỡng phồn thực ấy đã được khéo léo thể hiện trong các họa tiết trang trí mỹ thuật hay tổng thể kiến trúc trong các công trình tín ngưỡng-tôn giáo truyền thống của dân tộc.                                

Trong các công trình kiến trúc cổ tại Việt Nam nói chung và khu vực tp.HCM nói riêng thì tín ngưỡng dân gian luôn được khéo léo lồng ghép và thể hiện rất tài tình trong từng chi tiết, đường nét, cấu kiện. Một trong những tín ngưỡng dân gian nổi bật nhất của nền văn minh nông nghiệp lúa nước đó là tín ngưỡng phồn thực. Với lối tư duy lưỡng nguyên, phân tách rạch ròi giữa âm và dương giữa đực và cái của cư dân nông nghiệp với ước mong có sự giao hòa, sinh sôi và phát triển như đã trình bày ở trên, nên sẽ không lấy gì làm khó hiểu nếu chúng ta bắt gặp hình ảnh điêu khắc các cặp đôi nam nữ trong những tư thế chọc ghẹo nhau được thể hiện sinh động trong các ngôi đình cổ mà đặc biệt là ở khu vực Bắc bộ. Ở Nam bộ, lối tư duy lưỡng nguyên trên dường như cũng vẫn được duy trì trong từng đường nét, kết cấu vật chất của những ngôi đình, chùa, lăng miếu tại đây mà cụ thể là một số chi tiết như : Hình tượng ông nhật, bà nguyệt trên nóc mái điện tại những lăng mộ hay những ngôi đình tại tp.HCM phải chăng cũng liên quan đến lối tư duy lưỡng nguyên biểu thị cho âm, dương như đã nói ở trên. Hình ảnh ông Nhật bà Nguyệt cũng là những yếu tố văn hóa hình thành trong quá trình giao lưu với văn hóa Hán ở phương Bắc. Xét ở khía cạnh kết cấu, toàn bộ hệ thống cột của các công trình kiến trúc cổ phần lớn đều được đặt trên những tán đá vuông hoặc tròn, điều đó phần nào khiến chúng ta liên tưởng đến hình tượng Yoni-Linga (tượng trưng cho thần Shiva) của văn hóa Ấn Độ cũng mang ý nghĩa thể hiện sự giao hòa âm dương. Hình ảnh trên phải chăng là tượng trưng cho sự vận hành của vũ trụ ? Tuy nhiên đây mới chỉ là ý kiến cá nhân của người viết có tính chất gợi mở, đoán định.  

Các biều tượng như đã nói vốn là sản phẩm đỉnh cao của tư duy trừu tượng, nó mang trong mình những triết lý tôn giáo, nhân sinh sâu sắc đặc biệt là trong Phật giáo, các tư thế bắt ấn trong mỗi bức tượng ẩn chứa rất nhiều các ý nghĩa trừu tượng, thâm sâu và bên cạnh đó còn ẩn chứa một sức mạnh vô hình của chư thiên, vũ trụ trong niền tin tôn giáo này. Các tư thế bắt ấn thực chất là sự phối kết hợp về hình dáng giữa các ngón tay của bàn tay và giữa hai bàn tay với nhau trong sự tương quan với những tư thế nhất định của cơ thể.  

Mỗi tư thế bắt ấn thể hiện những ý nghĩa và tác dụng khác nhau chẳng hạn như “Thí nguyện ấn” thể hiện cho sự nhân từ, bố thí của đạo phật. Vô úy ấn với bàn tay phải mở rộng và lòng bàn tay hướng ra bên ngoài, các ngón tay duỗi thẳng và để ngang vai biểu trưng cho sự không lo sợ bởi một niềm tin vững chắc vào đạo phật. Định ấn với hai chân khoanh lại, chân phải đặt trên đùi trái, chân trái cũng tương tự đặt lên đùi phải, hai bàn chân ngửa lên, hai bàn tay lồng vào nhau sao cho hai ngón tay cái chạm nhau. Định ấn thể hiện sự tập trung của người tu tập nhằm hướng đến con đường giác ngộ .

Chuyển pháp luân ấn cũng là một thế ấn quan trọng, thế ấn này với bàn tay phải đặt ngang ngực, hướng lòng bàn tay ra ngoài, ngón trỏ và ngón cái tạo hình vòng tròn, bàn tay trái tiếp xúc với bàn tay phải tại vị trí ngón cái của bàn tay phải, lòng bàn tay trái hướng vào phía ngực. Đây là thế ấn có tính chất lịch sử, ghi lại truyền thuyết lần thuyết pháp đầu tiên của đức Phật .

Các thế bắt ấn, tướng tọa, đi, nằm của các vị Phật thể hiện nội dung triết lý thâm sâu cũng như những hảo tướng thần kỳ của bậc thánh thật không dễ gì hiểu trọn và diễn tả hết được, trong bài viết nhỏ này, người viết chưa có đủ điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ những cao tăng trí tuệ để lĩnh hội, chuyển hóa, thấu hiểu những kiến thức vi diệu ấy ! Đây cũng là một thiếu sót lớn mà chắc chắn rằng tác giả sẽ phải bổ sung trong một bài viết khác có tính chất chuyên khảo hơn, rất mong quý độc giả cảm thông cho tài hèn, lực mọn này mà rộng lòng lượng thứ.

Tóm lại, những họa tiết, hoa văn, biểu tượng trang trí trong các công trình kiến trúc cổ của người Việt tại tp.hcm được thể hiện một cách khéo léo trong dòng chảy của nền mỹ thuật kiến trúc Việt Nam, trong đó có tiếp thu, giao lưu mang tính chọn lọc với mỹ thuật của các nền văn hóa khác trong khu vực và trên thế giới tạo nên nét đẹp thẩm mỹ thật đặc sắc mà ẩn chứa trong nó là những gì tinh hoa, chắt lọc, thâm sâu mà các thế hệ tiền nhân đi trước đã dầy công tạo dựng, gửi gấm cho hậu thế muôn đời.         
                                                                                       
       
                                                 

                          


    

         



[1] http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%A9_linh

Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

VĂN HÓA ĐỒNG NAI (THỜI ĐẠI ĐỒ SẮT) VÀ NHỮNG CUỘC ĐIỀN DÃ, KHAI QUẬT TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

Đồng Nai vốn là một vùng đất phù sa cổ có từ lâu đời, cũng trên mảnh đất này các nhà khảo cổ học trong các mùa điền dã đã tìm thấy một loạt những dấu vết hoạt động của con người từ thời đại đá cũ. Văn hóa Đồng Nai là một thuật ngữ khoa học được dùng để chỉ một giai đoạn phát triển của thời đại kim khí ở Nam Bộ của Việt Nam mà cụ thể tập trung chủ yếu vào khu vực miền Đông Nam Bộ hiện nay. Với văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở khu vực duyên hải Trung Bộ và văn hóa Đồng Nai ở khu vực Đông Nam Bộ đã hình thành nên ba trung tâm văn hóa lớn trong thời đại kim khí ở nước ta. Văn hóa Đồng Nai là một giai đoạn của thời kỳ kim khí phát triển liên tục từ thời đại đồ đồng sang thời đại đồ sắt, niên đại của văn hóa Đồng Nai vào khoảng hơn 1000 năm trước công nguyên cho đến đầu công nguyên, thời đại đồ sắt trong văn hóa Đồng Nai có niên đại vào khoảng nửa sau thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên.

Văn hóa Đồng Nai được phát hiện và nghiên cứu lần đầu tiên vào nửa sau thế kỷ XIX bởi các nhà nghiên cứu nước ngoài mà chủ yếu là các nhà khoa học người Pháp. Có thể dễ dàng điểm qua những tên tuổi khá nổi tiếng của các học giả nước ngoài gắn liền với việc nghiên cứu văn hóa Đồng Nai như : F.Caspar, A.Core, O.Grossin, L.Malleret, E.Saurin, H.Fontain ..v…v.. trong giai đoạn khởi đầu này, với những trang thiết bị, công cụ còn khá lạc hậu và số lượng nhà khoa học còn hạn chế tuy nhiên những học giả ngoại quốc này với niềm đam mê, nhiệt huyết đã vẽ nên những đường nét cơ bản của văn hóa Đồng Nai và phần nào cũng đã nghiên cứu được một số di tích quan trọng.  Sau ngày đất nước thống nhất 30/04/1975 các nhà nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam đã có những điều kiện nhất định để thực hiện nhiều hơn các cuộc khai quật khảo cổ và chính họ đã đưa lên mặt đất hàng vạn hiện vật cũng như giải mã những bí ẩn liên quan đến chúng góp phần làm sáng tỏ hơn nền văn hóa thời đại kim khí này. Có thể phân chia các di tích khảo cổ thuộc văn hóa Đồng Nai theo 3 phức hệ địa lý – văn hóa cổ như sau :

·        Khu vực nằm ở độ cao 100è200 m so với mặt nước biển như các di tích : Cầu Sắt , Hàng Gòn , Đồi Phòng Không …v..v…
·      Khu vực hạ lưu sông Đồng Nai với các di tích : Dốc Chùa , Bình Đa , Phước Tân , Gò Me và một số di tích phân bố ở Long An như : An Sơn , Rạch Núi
·     Khu vực đồng bằng ven biển như : Giồng Phệt , Giồng Cá Vồ , Cái Vạn , Cái Lăng , Bưng Bạc , Bưng Thơm , Rạch Giừng , Lộc Giang

             Thời đại đồ sắt trong văn hóa Đồng Nai có niên đại vào khoảng nửa sau thiên niên kỷ thứ I trước công nguyên, đó là một bước phát triển liên tục từ thời đại đồ đồng trước đó theo nhiều nhà nghiên cứu thì văn hóa Đồng Nai là cơ sở, là nguồn cội có tính bản địa góp phần hình thành và phát triển nên văn hóa Óc Eo nổi tiếng ở khu vực Nam Bộ Việt Nam, tuy nhiên vấn đề này đến nay vẫn cần phải nghiên cứu ở một mức độ chuyên khảo với những cuộc khai quật thực địa để góp phần chứng minh tính bản địa của nền văn hóa Óc Eo này. Trong khuôn khổ của bài viết này, người viết xin trình bày về những phát hiện mới trong thời đại đồ sắt thuộc văn hóa Đồng Nai từ năm 2005 đến nay. Bài viết này là sự tổng hợp lại một số tư liệu nhỏ, tản mác đã tìm được trong quá trình tìm kiếm tài liệu phục vụ việc nghiên cứu cho một đề tài lớn hơn, song thiết nghĩ để củng cố lại một cách có hệ thống những phát hiện mới về văn hóa Đồng nai nên người viết đã mạnh dạn tập hợp lại thành một bài viết nhỏ không nằm ngoài mục đích cung cấp thêm những thông tin cho bạn đọc. Từ năm 2005 đến nay đã có một số phát hiện mới về văn hóa Đồng Nai trong thời đại đồ sắt như sau :

           Đầu tiên có thể kể đến là việc khai quật di tích Giồng Lớn (Long Sơn, Vũng Tàu) vào tháng 6/2005. Di Tích Giồng Lớn thuộc địa bàn xã Long Sơn từ năm 2002 đến 2005 Sở Văn Hóa Thông Tin (trực tiếp là bảo tàng tỉnh) đã phối hợp với Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam tiến hành nhiều cuộc điều tra thám sát tại đây. Những kết quả của quá trình thám sát đã cho thấy khu vực Giồng Lớn ẩn chứa nhiều tiềm năng về khảo cổ học đặc biệt là trong thời đại kim khí, có nhiều khả năng tương tự như khu di tích ven biển Cần Giờ (Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ) được khai quật năm 1993. Trên cơ sở đó vào “Tháng 3-2003, được phép của Bộ VHTT, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành khai quật di tích Giồng Lớn. Các nhà khảo cổ học đã mở 5 hố khai quật với tổng diện tích 350m2 nằm bên rìa giồng cát, giáp với khu cánh đồng muối và khu sinh thái ngập mặn ven biển. Tại 5 hố khai quật, ở độ sâu 0,8 - 1,4m, các nhà khảo cổ học phát hiện được 54 mộ cổ với 1.636 hiện vật là đồ tùy táng.”(1). Qua đợt khai quật này, với số lượng di vật khá phong phú đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của rất nhiều những nhà nghiên cứu khảo cổ học trong cả nước. Tháng 6/2005 được sự cho phép của Bộ Văn Hóa thông tin theo quyết định số 5536/QĐ-BVHTT Bảo Tàng Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp với Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam để tiến hành khảo sát và khai quật di tích Giồng Lớn lần thứ II do Tiến Sỹ Vũ Quốc Hiền làm trưởng đoàn khai quật, quá trình khai quật kéo dài trong khoảng thời gian hơn hai tháng, đoàn đã thám sát khai quật gầm 300 mét vuông đã phát hiện được 26 cụm mộ có hai loại hình mộ táng đó là mộ nồi và mộ đất trong đó mộ đất chiếm ưu thế.

Các hiện vật tìm được ở Giồng Lớn trong đợt khai quật lần II bao gồm các mảnh gốm, đồ đá, đồ trang sức và một số đồng tiền Ngũ Thù thời Tây Hán cho phép khẳng định niên đại của di tích này là vào khoảng trên dưới 2000 năm cách ngày nay. Với một số lượng hiện vật lớn trong tổng cộng hai đợt khai quật là “2310 hiện vật” (2). Di tích khảo cổ học Giồng Lớn là một di tích có tầm quan trọng cần được quan tâm, nghiên cứu đầu tư cho quá trình hậu khai quật góp phần phát thảo nên hình ảnh văn hóa Đồng nai trong giai đoạn đồ sắt tại khu vực này. Di tích Giồng Lớn được các nhà nghiên cứu cho rằng là một di tích mộ táng với một mật độ không dày đặc (Khoảng 7m2/mộ) (1), nhưng đây là một di tích thuần mộ táng nếu như ở khu vực ven biển Cần Giờ với các di tích tiêu biểu như : Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ được khai quật năm 1993 với sự xen lẫn giữa di tích cư trú và mộ táng thì đến di tích Giồng Lớn (Long Sơn-Vũng Tàu) chúng ta đã thấy có sự tiến bộ rõ rệt trong tư duy của người xưa khi đã tách biệt giữa khu cư trú và mộ táng. Đồ gốm trong tìm được trong di tích Giồng Lớn có nhiều điểm tương đồng với đồ gốm tìm được trong di tích Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ ở khu vực Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) điều đó cho thấy có sự liên hệ mật thiết giữa những di tích này. Về mặt niên đại di tích, Giồng Cá Vồ vào khoảng 2500 cách ngày nay còn di tích Long Sơn vào khoảng trên dưới 2000 năm cách ngày này như vậy di tích Long Sơn có niên đại muộn hơn di tích Giồng Cá Vồ và có khoảng thời gian tồn tại trùng với thời gian hình thành nên nền văn hóa Óc Eo nổi tiếng, như vậy di tích Giồng Lớn (Vũng Tàu) có một vị trí quan trọng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa Óc Eo.

Trong sách : “Những Phát Hiện Mới Về Khảo Cổ Học Năm 2006” có đề cập đến những hiện vật đã được chỉnh lý của di tích gò Cây Quéo (Gò Cát) thuộc địa phận Quận 2 Tp. Hồ Chí Minh. Di tích gò cây Quéo còn có tên gọi khác là Gò Cát, di tích này đã được Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam phát hiện và đào thám sát từ năm 1990. Cuối năm 1992 di tích này bị phá hủy nghiêm trọng, tòan bộ giồng cát bị đào để lấy cát xây dựng làm xuất lộ các hiện vật khảo cổ sau đó các cán bộ thuộc trung tâm khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh đã đến đây thu thập hiện vật. Trong số những hiện vật khai quật được thì số lượng mảnh gốm chiếm ưu thế nhất. Trong những năm vừa qua, hiện vật sưu tập được tại gò Cây Gáo đã được sưu tầm và chỉnh lý lại mang đến cho chúng ta nhiều hiểu biết mới về di tích này. Trong số những hiện vật tại gò Cây Gáo đã được chỉnh lý thì “số lượng mảnh gốm tìm thấy nhiều nhất tuy nhiên số lượng mảnh gốm tìm thấy trong địa tầng không nhiều khoảng 300 mảnh”(3). Có hai loại đồ gốm là đồ gốm thô và đồ gốm mịn. Gốm thô có xương gốm chứa bã thực vật chiếm trên 60%, gốm mịn có xương gốm đỏ nâu pha cát và vỏ nhuyễn thể giã nhỏ. Về mặt hoa văn : “Gốm thô có tỷ lệ hoa văn thấp chỉ khoảng 11%, trong đó gốm mịn có tỷ lệ hoa văn cao hơn nhiều đến 36,7% trong đó hoa văn phổ biến là văn chải đan xéo nhau hoặc chạy dọc thân có hoặc không kết hợp những đường miết láng , ngoài ra còn có văn chải khuôn nhạc, văn khắc vạch kết hợp chấm dải xuất hiện khá ít, hoa văn trang trí chủ yếu là phần thân còn phần miệng ít có trang trí hoa văn”(3). Ngoài các mảnh gốm thu được còn có những bi gốm, chân đế gốm. Bi gốm tìm được có 3 loại : “Loại tròn đều có số lượng 584 viên chiếm 69.43% , loại bị méo có 131 viên chiếm 15,5% , loại bị hư hỏng chiếm 126 viên . Bi gốm được làm chủ yếu bằng chất liệu là đất sét pha nhiều cát . Đồ đá tìm được trong di tích theo thống kê có 349 tiêu bản trong đó có 138 công cụ các loại chiếm 39,5% và 211 mảnh tước , mảnh công cụ hư hỏng ..v..v.. Chiếm 60,5%”(3). Việc phân loại và chỉnh lý chi tiết các hiện vật tìm được cho chúng ta một cái nhìn rõ nét hơn về di tích Gò Quéo

          Năm 2007 các cán bộ khảo cổ học lại tiếp tục khai quật di tích Gò Me (Ấp 2, Phường Thống Nhất, Thành Phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai) theo giấy phép khai quật số 1717/QD-BVHTT ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Bộ VH-TT. Đợt khai quật này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Tỉnh Đồng Nai, cuộc khai quật là kết quả của sự phối hợp giữa Bảo Tàng Tỉnh Đồng Nai, Sở Khoa Học Công Nghệ, Hội Khoa Học Lịch Sử Tỉnh Đồng Nai và Viện Khoa Học Xã Hội Vùng Nam Bộ (Nay là Viện Phát Triển Bền Vững Vùng Nam Bộ) cùng với trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn TP.Hồ Chí Minh. Cuộc khai quật do Tiến Sỹ Phạm Quang Sơn làm trưởng đoàn khai quật. Thời gian khai quật từ ngày 1/06/2007 đến ngày 1/07/2007 với diện tích khai quật là 100 mét vuông. Đoàn khai quật gồm có Tiến Sỹ Phạm Quang Sơn, Tiến Sỹ Nguyễn Văn Long, cử nhân Lưu Văn Du, cử nhân Nguyễn Thị Tuyết Trinh, cử nhân Lê Công Tâm, và các sinh viên khoa Lịch Sử của trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn TP. Hồ Chí Minh. Di tích Gò Me với tọa độ địa lý 10°56’57.4’’ vĩ Bắc , 106°50’03.0’’ kinh Đông, di tích này được phát hiện từ năm 1981 bởi ông Trần Hiếu Thu. Trong khoảng thời gian từ năm 1982 đến năm 1984 phòng Bảo Tồn-Bảo Tàng Tỉnh Đồng Nai, Ban Khảo Cổ Học Viện Khoa Học Xã Hội tại TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức 3 đợt điều tra và đào 5 hố thám sát mỗi hố có diện tích 2m2. Tầng văn hóa dao động từ 40cm đến 85cm. Các hiện vật thu được trong quá trình điều tra bao gồm 55 tiêu bản bằng đá , có 5 rìu vai, 10 rìu hình thang, 11 mảnh vỡ của công cụ, 2 mảnh vòng tay, 1 mảnh đàn đá . Hiện vật bằng gốm có 1 dọi se sợi, 4 bi gốm và trên 300 mảnh gốm thuộc 3 loại chất liệu màu đen, đỏ và trắng. Theo các nhà nghiên cứu thì niên đại của di tích Gò Me vào khoảng 3000 đến 2500 năm cách ngày nay, với niên đại này có thể so sánh tương đương với di tích Dốc Chùa và Bình Đa ở Bình Dương. Cuối năm 2006 đầu năm 2007 các nhà nghiên cứu lại tiếp tục đào hai hố thám sát với diện tích mỗi hố là 4m2 (Trên phần đất thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Văn Thành, số nhà 49/4 tổ 5, Phường Thống Nhất) trong hố thám sát thứ 2 đã ghi nhận dấu tích của tầng văn hóa .

            Trở lại với kết quả khai quật di tích Gò Me trong trong hai tháng 6 và 7 năm 2007 đoàn khai quật đã thu được một khối lượng hiện vật phong phú, góp phần cho việc nghiên cứu nền văn hóa cổ nơi đây. Trong đợt khai quật di tích Gò Me này chúng ta đã thu được tất cả 354 hiện vật bao gồm các loại như : Bàn mài, đồ trang sức, mảnh vỡ, các loại công cụ bằng đá, các loại mảnh gốm ghè tròn và những viên bi bằng đất nung bên cạnh đó còn có hàng vạn mảnh vỡ của các hiện vật gốm bằng đất nung. Về hiện vật đá trong số 354 hiện vật được tìm thấy có 151 hiện vật bằng đá theo Báo Cáo Khai Quật Di Tích Khảo Cổ Học Gò Me (TP. Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai năm 2007) thì tại hố H1 số hiện vật đá khai quật được bao gồm : “Công cụ rìu bôn (được gọi chung là rìu) và mảnh vỡ : 14 hiện vật  bao gốm Rìu Vai : 1 hiện vật, rìu tứ giác 3 hiện  (có số 14,15,48) đều có dạng hình thang ngắn bị phong hóa màu trắng đục. Một chiếc số 48 còn nguyên vẹn thân mỏng được mài kỹ , lưỡi vát hai bên gần cân đối. Hai chiếc còn lại khá dày, lưỡi mài vát một bên  có lẽ được sử dụng như cuốc nhỏ. Phác vật rìu tứ giác : 1 hiện vật (số 63) , Mảnh lưỡi : 1 hiện vật (số 17), Mảnh chuôi : 5 hiện vật (số 16,37,46,56,61). Mảnh vỡ công cụ không định dạng : 3 hiện vật (số 28,52,64) .Đục : 8 hiện vật(4,6,12,23,26,27,40,51) trong đó có 4 hiện vật (12 , 23, 26 , 40) còn khá nguyên vẹn, có hình thon dài, được chế tác bằng kỹ thuật ghè đẽo. Hai hiện vật số 6 và số 27 bị gãy ngang thân chỉ còn lại phần lưỡi, thân và lưỡi được mài sắc . Hiện vật số 4 bị gãy mất phần lưỡi , thân được mài , mặt cắt hình chữ nhật gần vuông . Hiện vật số 51 là một mảnh vỡ không định dạng. Công cụ mũi nhọn có 2 hiện vật là hai hiện vật nhỏ , một đầu có mũi nhọn , mặt cắt ngang thân hình tam giác . Mảnh khuôn đúc : 6 tiêu bản (số 2,24,25,3839,68) , trong đó hai tiêu bản số 2 và 39 là mảnh vỡ của một hiện vật làm bằng đá cát hạt thô hoặc mịn . Đá mài : 17 hiện vật (10,11,13,19,35,42,43,44,45,57,58,59,60,65,66,67,69) bàn mài chủ yếu là đá cát hạt mịn , có mặt mài lõm hình lòng máng , Chì lưới : 3 hiện vật (53,55,62), mảnh vòng : 1 hiện vật (Số 20) (4) . Tại hố khai quật thứ 2 số hiện vật đá thu được là 100 hiện vật bao gồm : Công cụ rìu, bôn và mảnh vỡ, 53 hiện vật trong đó rìu vai tìm được 1 hiện vật, rìu tứ giác tìm được 20 hiện vật, rìu thân ngắn tìm được là 10 hiện vật, rìu thân dài tìm được 10 hiện vật, rìu tam giác tìm được 1 hiện vật, Mảnh lưỡi công cụ tìm được 8 hiện vật, mảnh thân tìm dược 4 hiện vật, mảnh chuôi 13 hiện vật, mảnh vỡ công cụ không định dạng tìm được 6 hiện vật.

Tại hố khai quật thứ 2 đã tìm được 6 cuốc đá, và 4 chiếc đục. Riêng chày nghiền tìm được 2 hiện vật là một thanh cuội có hình dáng bầu dục thon dài gần như hình trụ. Bàn dập hoa văn tìm được 5 hiện vật. Khuôn đúc tìm được 1 hiện vật tuy nhiên vỡ chỉ còn một góc tư, hình khối hộp dẹp chất liệu đá màu xám xanh phong hóa màu nâu nhạt. Đàn đá tìm được 1 hiện vật có dạng hình thang đầu nhỏ gãy ba rìa được chế tác bằng nhiều vết ghè tạo rìa mỏng, một mặt thân tương đối phẳng mặt kia mài hình mai rùa. Vòng tay đá tìm được 9 hiện vật trong đó có 2 mảnh vỡ không định dạng được. Hiện vật bằng đất nung tìm thấy trong đợt khai quật có số lượng khá lớn:  “203 Hiện vật gồm có bi (thường gọi là bi gốm) , dọi se sợi làm bằng đất nung và những mảnh đồ gốm vỡ được ghè tròn”(4) . Trong hố khai quật thứ 1 tìm được 17 hiện vật bao gồm 14 bi gốm, 2 gốm ghè tròn, chân đế hình ống 1 hiện vật. Trong hố khai quật thứ 2 tìm được 186 hiện vật gốm bao gồm 158 bi gốm (bi gốm ở hố khai quật thứ 2 nhỏ hơn so với hố 1). Gốm ghè tròn thu được 5 hiện vật, dọi se sợi thu được 23 hiện vật. Bên cạnh đó, việc khai quật di tích Gò Me đã thu được hàng vạn mảnh gốm. “Trong đợt khai quật di tích Gò Me đã thu được 112.059 mảnh vỡ của các loại đồ đựng bằng gốm tại hố khai quật thứ 2 . Các mảnh gốm đã được chỉnh lý , thống kê và phân loại theo chất liệu , loại hình và hoa văn” (4). Về mặt chất liệu thì gốm ở di tích Gò Me được làm từ nguyên liệu đất sét pha trộn với cát, vỏ nhuyễn thể nghiền nhỏ, bã thực vật cũng được sử dụng với hàm lượng không nhiều. Gốm được nung ở nhiệt độ cao và không ổn định nên có nhiều màu sắc khác nhau, các mảnh gốm với số lượng 91084 mảnh có hoa văn chiếm một tỉ lệ hơn 80 % các mảnh gốm thu được ở Gò Me. Các hoa văn trên gốm ở Gò Me thường được tạo thành bởi các kỹ thuật chải, in thừng, đập khắc vạch và miết bóng. Việc khai quật di tích Gò Me trong hai tháng 6 và 7 năm 2007 đã mang đến những hiểu biết sâu sắc và tổng thể hơn cho các nhà nghiên cứu. Các công cụ, hiện vật tìm thấy ở đây cho thấy chúng thường xuyên được tái chế, làm thanh xuân hóa, những dấu vết lỗ cột cho thấy cư dân nơi đây đã sống trong những ngôi nhà được dựng bằng cây, tre, lá. Các công cụ đá tìm thấy trong các di tích ở đây hoàn toàn mang phong cách của văn hóa Đồng Nai , đồ gốm khai quật ở di tích cho thấy mối liên hệ với những di tích Cái Lăng, Rạch Lá, Bình Đa , Bến Đò …v…v..

            Năm 2009, tại tỉnh Bình Phước các nhà nghiên cứu đã tiến hành thám sát quanh khu vực những di tích đã được phát hiện và nghiên cứu trước đó. Tại đây cùng với 18 di tích đất đắp hình tròn đã được khai quật nghiên cứu đến nay(2009) đã phát hiện thêm được 26 di tích tương tự, đây là những khu di tích cư trú cổ có diện tích từ 1,5 ha đến 10 ha có thành đất đắp bao quanh hình tròn có đường kính từ 140m đến 360m cao từ 4m đến 5m, đoàn nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 3 trong số những di tích nói trên bao gồm :

v    Di Tích Lộc Tấn 2 : là một di tích thuộc ấp K57, Xã Lộc Tấn, Huyện Lộc Ninh di tích được phát hiện vào năm 1999 sau đó đã được đào thám sát 2 hố vào năm 2000. Trong đợt nghiên cứu này, đoàn cong tác đã đào thám sát 1 hố và kiểm chứng lại 2 vách tây bắc và đông nam của hố thám sát 1 vào năm 2000. Hố thám sát 2 (2008) có tọa độ 11°52’30,8’’ vĩ Bắc, 106°38’37,0’’ kinh Đông, có diện tích 2m2 . Địa tầng trong hai hố thám sát có cấu tạo khá giống nhau. Trong hố thám sát 1 ở giữa tầng văn hóa lớp 4 và lớp 5 các nhà nghiên cứu đã phát hiện 2 lớp mỏng nện chặt, nhiều than tro và gốm vụn nằm ngang có chiều dày từ 0,3cm đến 0,7cm
v    Di Tích Lộc Điền: là một di tích thuộc dạng thành đất tròn có hai cổng ra vào ở phía Đông và phía Tây, tại đây các nhà nghiên cứu đã thu được khá nhiều hiện vật ngay trên bề mặt di tích gồm 7 mảnh rìu có vai, 2 rìu hình thang, 6 rìu hình tan giác, 6 mảnh vỡ rìu tứ giác, 10 đục và mảnh vỡ, 6 hòn ghè, 57 đá mài, 66 mảnh vỡ công cụ, 14 mảnh đá màu xanh đen, các mảnh gốm cũng có chất liệu tương tự như các mảnh gốm ở di tích Lộc Tấn 2
v    Di Tích Lộc Thành 2: là một di tích đã được đào thám sát vào năm 2000 với hai hố thám sát là 2m2 và 4m2, trong đợt khảo sát này các nhà nghiên cứu đã thu được 6 mảnh vỡ công cụ và một số mảnh gốm chủ yếu là gốm nâu ít gốm xương đen

        
 Việc phát hiện, khai quật và nghiên cứu các di tích thuộc văn hóa Đồng Nai trong giai đoạn phân kỳ khảo cổ học thời đại đồ sắt có vai trò quan trọng trong việc hình thành nên nhận thức chung về nền văn hóa này cũng như sự giao lưu với các nền văn hóa khác trong nước cũng như  khu vực thông qua các di vật độc đáo. Những phát hiện mới đã cho chúng ta thấy những di vật có hình dáng cấu tạo tương đối khác biệt góp phần làm phong phú hơn hiện vật cho bộ sưu tập di vật của nền văn hóa phía Nam tổ quốc này. Mặt khác, văn hóa Đồng Nai là tiền đề, nền tảng khẳng định tính bản địa của văn hóa Óc Eo, vì lẽ đó, chúng ta cần có nhiều cuộc khai quật hơn nữa, nhiều di vật có tính khoa học hơn nữa để làm rõ tính bản địa trong văn hóa Óc Eo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 



2        Hà Thị Kim Chi , Trần Thị Tú Uyên , Lê Nguyên Anh (2006)  . “Hiện Vật Di Tích Gò Quéo (Gò Cát) Quận 2 TP.Hồ Chí Minh”  trong Những Phát Hiện Mới Về Khảo Cổ Học năm 2006 NXB Khoa Học Xã Hội Hà Nội , Trang 237-240

3        Viện Phát Triển Bền Vững Vùng Nam Bộ , Báo Cáo Khai Quật Di Tích Khảo Cổ Học Gò Me (TP.Biên Hòa Tỉnh Đồng Nai Năm 2007) , Thành Phố Hồ Chí Minh 2008

4        Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam , Viện Khảo Cổ Học (2009) . Những Phát Hiện Mới Về Khảo Cổ Học Năm 2009 . NXB Khoa Học Xã Hội Hà Nội





      bo/20817954/181/
  

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Khả Năng Tồn Tại Đền Thờ Thần Mặt Trời Trong Văn Hóa Óc Eo

                                                            Lời Tựa
    

Thần mặt trời là một vị thần quan trọng bậc nhất trong các vị thần trên thượng giới và được tôn thờ ở nhiều nơi, trong nhiều nền văn hóa trên thế giới, chính vì vậy chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy tầm quan trọng của mặt trời trong tất cả mọi hoạt động sống của con người cũng như các sinh vật trên trái đất.Tín ngưỡng thờ cúng thần mặt trời có lẽ đã tồn tại từ buổi bình minh rất sớm trong lịch sử loài người. Hiện nay trong tất cả các nền văn minh lớn của nhân loại mà loài người biết đến thì dấu vết các đền thờ mặt trời được phát hiện, ghi nhận là rất nhiều mà cụ thể như: văn minh Hy Lạp-La Mã, văn minh Ai Cập cổ đại, văn minh Ấn Độ đều có sự xuất hiện của đền thờ thần mặt trời, điều đó cho thấy trong lịch sử cổ đại và đến tận ngày nay vai trò của thần mặt trời vẫn luôn được các dân tộc trên thế giới tôn sùng.

Trở lại với vấn đề chính của bài viết này đó là : “đền thờ thần mặt trời trên thế giới và trong văn hóa óc eo”. Như đã trình bày ở trên có lẽ mỗi người chúng ta không còn xa lạ gì với những đền thờ thần mặt trời to lớn được tạo tác cầu kỳ, tỉ mỷ trên thế giới, tuy nhiên khi chúng ta nói tới đền thờ thần mặt trời trong văn hóa Óc Eo có thể sẽ khiến người nghe hơi ngỡ ngàng, thoáng chút băn khoăn, nghi hoặc hay những ý kiến phản bác trái chiều gay gắt bởi lẽ từ trước tới nay khi nhắc đến văn hóa Óc Eo người ta thường nghĩ tới những mảnh gốm Óc Eo, những mảnh cà ràng, những mảnh vàng có khắc chữ cổ Sankrit hay những cặp Linga-Youni đặc trưng ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ, tuy nhiên đền thờ thần mặt trời trong văn hóa Óc Eo thì quả thật là mới lạ, chứa đựng không ít những điều mới mẻ mà trước đến nay ít được nhắc tới. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu tìm ra những manh mối, những bằng chứng manh nha để dưới một góc độ khoa học nhất định có thể từng bước đưa ra những giả thiết tin rằng đã từng có sự tồn tại của đền thờ thần mặt trời trong văn hóa Óc Eo nổi tiếng. Bài viết nhỏ này dựa trên các tư liệu đã từng công bố và ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực khảo cổ học, song với trình độ cá nhân còn nhiều hạn chế, thiếu sót của mình đứng trước một vấn đề lớn với nhiều khía cạnh, chứng cứ còn ẩn tàng khuất nẻo, người viết chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót nhất định về mặt nhận thức và tư liệu song tôi cũng vẫn cứ mạnh dạn thẳng thắn trình bày những suy nghĩ có phần gợi mở của mình, rất mong các độc giả có kiến thức hay những ý tưởng, suy nghĩ khác đóng góp thêm những chính kiến của mình bổ sung thêm những khiếm khuyết của tác giả .

                                     
                                           


                                                Bố Cục Bài Viết

I/ Gới Thiệu Khái Quát Về Thần Mặt Trời
II/ Một Số Đền Thờ Thần Mặt Trời Trên Thế Giới
III/Những Khả Năng Về Sự Tồn Tại Đền Thờ Thần Mặt Trời Trong Văn Hóa Óc Eo
     3.1 / Giới Thiệu Khái Quát Về Văn Hóa Óc Eo
     3.2/  Một Số Kiến Trúc Tôn Giáo Trong Văn Hóa Óc Eo
     3.3/  Khả Năng Tồn Tại Đền Thờ Thần Mặt Trời Trong Văn Hóa Óc Eo 







                          I/ Giới Thiệu Khái Quát Về Thần Mặt Trời

         Từ thời lịch sử xa xưa, trong vũ trụ bao la và rộng lớn này con người đã sớm nhận thức được vai trò của thần mặt trời đối với cuộc sống của chính mình, tại buổi bình minh của lịch sử ấy, con người thật bé nhỏ, yếu ớt trước thiên nhiên, muôn thú do vậy con người cần sự che chở, bảo vệ. Người ta đã cư trú trong những hang núi trên cao khuất gió gần những nguồn nước tự nhiên cửa hang thường quay về phía đông để lấy ánh sáng mặt trời, con người thích ánh sáng, sợ bóng tối, mặt trời mang đến nguồn ánh sáng lớn lao và vĩ đại ấy, sưởi ấm con người, giúp con người vượt qua nỗi sợ hãi trong màn đêm tối tăm của thời tiền sử, như thế tầm quan trọng của mặt trời đã được con người nhận thức ngay trong thực tiễn của cuộc sống, và do đó   trong lịch sử mỗi một dân tộc, một quốc gia khác nhau đều có những tên gọi và những phương cách thờ cúng thần mặt trời khác nhau chẳng hạn như trong nền văn minh Ai Cập cổ đại thì thần mặt trời được gọi với cái tên là Thần Ra. Buổi sáng, thần là con bọ hung đẩy đĩa mặt trời lên, còn buổi trưa là con chim ưng đội đĩa mặt trời và buổi tối là con cừu lăn đĩa mặt trời xuống núi. Trong nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại thì cư dân tại đây gọi thần Mặt Trời của mình với một tên gọi là thần Anu. Thần Anu được quan niệm là cha đồng thời cũng là vua của các thần. Thần Anu có có một người con là thần nước Ea. Trong nền văn minh Hy Lạp rực rỡ mà chúng ta ngày nay còn được biết đến thông qua những công trình kiến trúc, điêu khắc có giá trị lịch sử, mỹ thuật to lớn còn tồn tại trường tồn cùng thời gian và đặc biệt là qua hai bộ sử thi Iliad và Odixe của nhà thơ mù Homer thì thần mặt trời trong lịch sử văn minh Hy Lạp chính là thần Appolo biểu tượng của ánh sáng, thần thường cầm đàn và cầm cung tên tương truyền mũi tên của thần mặt trời Appolo có thể bay xa vạn dặm, thần mặt trời Appolo của Hy Lạp cũng thường được thể hiện là một chàng thanh niên khỏe mạnh, tóc vàng, cơ thể săn chắc, cân đối. Còn đối với phương Đông huyền bí thì vị trí của thần Mặt Trời cũng hết sức quan trọng, điều đó dễ ràng nhận thấy bởi trong nền văn minh Ấn Độ cổ đại thì thần mặt trời chính là thần Suarya . Thần Mặt Trời Suarya là nguồn sáng của vũ trụ, là nguồn minh trí của tất cả các sinh vật biểu thị bởi mười hai nguyên lý tối cao (Aditya), là cửa mở vào con đường dẫn dắt con người tới thần linh, là nguyên nhân và cứu cánh của tất cả những gì hiện hữu trong quá khứ, hiện tại và vị lai, tất cả những gì sinh động và bất động. Về hình tượng, Suârya là một vị thần mình màu đồng đỏ, tóc và râu màu vàng, ngự trên một chiếc xe một bánh do bảy ngựa kéo, đôi khi do rắn (Naga) kéo. Thần Suârya đội vương miện và đeo vòng, tất cả đều toả hào quang chói lọi khắp mọi phương trời. Còn đối với người dân Trung Quốc thì Mặt Trời là một yếu tố quan trọng đối với nông nghiệp cũng như thần quyền bởi lẽ mỗi vị vua trong lịch sử Trung Quốc thường được gọi là Thiên Tử (con trời). Đàn tế trời được xây dựng một cách rất quy mô và tráng lệ , qua đó chúng ta thấy được tầm quan trọng của thần mặt trời đối với đời sống của cư dân trong lịch sử. Cũng chính vì tôn sùng sức mạnh của tự nhiên, phụ thuộc vào tự nhiên mà con người trở nên sùng kính và nể sợ tự nhiên. Cũng cần phải nói thêm rằng trong số các vị thần được tôn thờ thì lẽ dĩ nhiên thần Mặt Trời có một vị trí vô cùng quan trọng bởi lẽ Mặt Trời duy trì mọi hoạt động sống của tất cả mọi sinh vật trên trái đất. Điều đó khiến chúng ta hoàn toàn không có gì ngạc nhiên khi trong tất cả những dấu tích của các công trình kiến trúc tôn giáo mà nhân loại còn lưu giữ được đến tận ngày nay thì đền thờ thần Mặt Trời có lẽ xuất hiện khá nhiều và dường như ở khắp mọi nơi trên thế giới.

 Sự phong phú, đa dạng của các công trình kiến trúc đền thờ liên quan đến thần mặt trời cho thấy tín ngưỡng thờ thần Mặt Trời đã phổ biến ở hầu như tất cả mọi nơi và mọi dân tộc trên thế giới. Đặc biệt là các dân tộc có nguồn gốc nông nghiệp thì vị trí của thần Mặt Trời là vô cùng quan trọng. Ở Việt Nam, Chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng hình ảnh của mặt trời với những tia sáng phát ra đã được thể hiện một cách rất khéo léo, hoàn hảo và cực kỳ nghệ thuật trên những chiếc trống đồng Đông Sơn ở khu vực Bắc Bộ, Bắc trung bộ Việt Nam cũng như khu vực Nam Trung Hoa và điều đặc biệt là những chiếc trống đồng này là những vật gắn liền với những tù trưởng hoặc những người có quyền lực. Như thế Mặt Trời được các dân tộc trên thế giới coi như ngọn nguồn của sự sống và sáng tạo, chính vì thế trong suốt dòng chảy lịch sử của mình, con người ngày càng sùng bái và đã không tiếc công sức xây dựng những công trình kiến trúc nhằm mục đích phục vụ cho việc thờ cúng thần Mặt Trời mà lịch sử vẫn may mắn còn lưu giữ lại cho con người chiêm ngưỡng, nghiên cứu, tìm tòi bằng những công trình thật sự hoặc những sử liệu có giá trị mà loài người chúng ta có được cho tới thời điểm này !

II/ Một Số Đền Thờ Thần Mặt Trời Trên Thế Giới

       Con người chúng ta trong thời đại nguyên thủy phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố tự nhiên như: Nắng, Mưa, Sấm, Chớp ...v..v…… Chính vì thế, thật tự nhiên con người đã trở nên sùng bái thiên nhiên và các hoạt động tôn giáo của con người có lẽ cũng được bắt đầu khi con người cảm thấy quá nhỏ bé trước vũ trụ bao la, đầy bí ẩn và do đó con người cần được một thế lực siêu nhiên nào đó giúp đỡ, che chở cho cuộc sống còn nhiều bấp bênh của họ. Trong bối cảnh ấy, những hình thức tôn giáo được manh nha, khởi nguồn và dễ dàng chiếm một vị trí quan trọng chi phối hầu hết cuộc sống của con người. Tôn Giáo đã ra đời từ rất lâu (mà cụ thể theo các nhà Khảo Cổ Học thì vào khoảng 45.000 năm trước với những hình thức tín ngưỡng sơ khai như thờ vật tổ “Totem giáo” ) [1]. Càng lệ thuộc, chịu sự chi phối của các hình thức tôn giáo bao nhiêu thì con người lại càng khéo léo thể hiện sự tôn kính của mình tới các vị thần qua các công trình kiến trúc thờ tự bấy nhiêu.

Như đã trình bày ở trên, thần Mặt Trời có một vị trí vô cùng quan trọng không thể thiếu vắng trong mọi nền văn hóa cũng như tất cả các hoạt động sống, sinh hoạt của loài người và các loài động thực vật khác trên thế giới. Như thế, một lẽ dĩ nhiên và dễ hiểu là các đền thờ thần mặt trời sẽ được xây dựng ở rất nhiều nơi trên thế giới. Mỗi quốc gia, khu vực có một phong cách kiến trúc xây dựng riêng tạo nên những kiến trúc đền đài thờ phụng vô cùng độc đáo để tôn vinh, thể hiện sự quy phục của con người đối với thần mặt trời đầy quyền năng đang ngự trị và tỏa sáng . Chúng ta có thể điểm qua một vài công trình kiến trúc đền thờ thần mặt trời tiêu biểu trên thế giới như :

         Stonehenge là một công trình tượng đài cự thạch thời kỳ đồ đá mớithời kỳ đồ đồng gần AmesburyAnh, thuộc hạt Wiltshire, 13 km về phía bắc Salisbury. Tọa độ địa lý 51°10′44,85″N, 1°49′35,13″W [1]. Công trình này bao gồm các công sự bằng đất bao quanh một vòng đá, là một trong những địa điểm tiền sử nổi tiếng thế giới. Các nhà khảo cổ cho rằng các cột đá này được dựng lên từ khoảng 2500-2000 trước Công nguyên dù các vòng đất xung quanh được xây dựng sớm hơn, khoảng 3100 năm trước Công nguyên.[2] Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu trước đây thì Stonehenge là một mộ táng (táng thức trong các ngôi mộ đá khổng lồ thường được gọi là cự thạch) tuy nhiên một số ý kiến khác cho rằng đây là một đài quan sát thiên văn. Tuy nhiên một giả thiết mới về công dụng của Stonehenge ở Anh đó chính là một đền thờ thần Mặt Trời. Phát hiện này làm các nhà nghiên cứu khá bất ngờ và lý thú, nhận định này được các nhà khảo cổ học bằng những phương pháp kỹ thuật hiện đại như việc sử dụng máy quan sát radar từ trên không, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc đại học Birmingham, trung tâm công nghệ không gian, Viện Khảo cổ học Ludwig Boltzmann và Viện Khảo cổ học ở Vienna, phát hiện ra 2 hố lớn ở vị trí hàng rào đá của công trình Stonehenge. Hai hố này rộng hơn 16 feet (hơn 4 mét), sâu 3 feet (gần 1 mét), nằm ở phía bắc Stonehenge, dựng trước tượng đài thời tiền sử đến 500 năm [3]. “Đây là lần đầu phát hiện ra điều này. Khi nhìn từ hòn đà bí ẩn Heel Stone đứng ngay ngoài lối vào Stonehenge, những cái hố giống như dấu hiệu của việc chào đón Mặt trời mọc lên vào giữ trưa hè”[4] .

Như vậy chúng ta thấy rằng ngay từ khi con người còn đứng trước ngưỡng cửa của thời đại văn minh thì phong tục thời thần Mặt Trời đã xuất hiện và đã khá phổ biến. Một đền thờ thần Mặt Trời lớn như Stonehenghe thì cần phải huy động một số lượng khá lớn nhân công hoạt động dưới sự chỉ huy nhất định, như thế chúng ta có thể thấy rằng để xây dựng nên một Stonehenghe vĩ đại cần phải có một sự đồng thuận lớn, hay nói khác hơn là sự tổ chức xã hội, sự nhất trí trong đông đảo quần chúng. Trong lịch sử Hy Lạp cổ đại, thần Appolo là thần ánh sáng và nghệ thuật, về sau thần Appolo thường được đồng nhất là thần mặt trời. Một trong những ngôi đền thờ của thần Appolo nổi tiếng lịch sử đó là đền thờ thần Appolo ở Bassae. Ngôi được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ thứ V trước Công nguyên. Tuy vị trí của ngôi đền này nằm cách xa các thành phố quan trọng của Hy Lạp cổ đại nhưng nó lại được nghiên cứu nhiều nhất vì những đặc điểm kiến trúc khác thường của mình. Tọa lạc tại miền núi xa xôi ở Peloponnese, đền thờ Apollo Epicurius ở Bassae là một trong những điện thờ cổ đại có quy mô rộng lớn và được bảo tồn khá tốt, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu.

Ngôi đền nằm trên một ngọn núi cao với chiều cao so với mặt nước biển lên đến 1.131m, được bao quanh bởi rất nhiều khe suối hẹp và cách thị trấn Andritsaina 14,5km. Điện thờ thần Mặt Trời ở Bassae mang đến cho người xem những điều lý thú về sự kết hợp kiến trúc giữa cả ba loại cột cổ điển trong nền văn minh Hy-La đó là các loại cột Doric, Ionic và Corinth, những mẫu cột thuộc phong cách kiến trúc Corinth là những mẫu cột kiến trúc cổ xưa nhất. Vật liệu xây dựng ngôi đền chủ yếu là đá ong xám. Ngôi đền đứng trên một vị trí khá cao đón nhận những luồng gió lạnh quanh năm nên đền thờ thần mặt trời ở Bassae mang một vẻ đẹp u buồn, lạnh lẽo và cô tịch. Bên ngoài của đền thờ Appolo được bao quanh bởi những chiếc cột mang phong cách Doric chạy dọc theo chiều dài ngôi đền, những chiếc cột này còn tồn tại đến tận ngày nay giúp cho chúng ta có thể phần nào hình dung về tổng thể công trình. Không chỉ có phương Tây mà ngay ở khu vực phương Đông huyền bí, thần mặt trời cũng  được cư dân của những đại trường giang vùng sông nước này tôn thờ ở một vị trí rất cao. Điều đấy thật dễ hiểu bởi lẽ trong các nền văn minh nông nghiệp như đã trình bày ở trên thì vị trí của thần mặt trời là vô cùng quan trọng điều ấy dễ dàng giải thích hàng loạt những đền thờ thần mặt trời được xây dựng một cách to lớn, tráng lệ tại các quốc gia này.

Trong nền văn minh Ấn Độ cổ đại thì thần mặt trời chính là thần Surya. Theo thần thoại của Ấn Độ thì thần Surya chủ trì về ánh sáng là minh trí của tất cả các sinh vật biểu thị bằng 12 nguyên lý tối cao và là nguyên nhân cũng như cứu cánh của tất cả những gì xuất hiện trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Về hình tượng, thần Suârya là một vị thần mình màu đồng đỏ, tóc và râu màu vàng, ngự trên một chiếc xe một bánh do bảy ngựa kéo, đôi khi do Rồng (Naga) kéo. Suârya đội vương miện và đeo vòng, tất cả đều tỏa hào quang chói lọi khắp mọi phương trời, hình tượng chiếc bánh xe to lớn tượng trưng cho bánh xe Mặt Trời có lẽ là một điểm không thể thiếu trong nghệ thuật tạo tác khi thể hiện thần Surya. Một ngôi đền thờ thần Surya rất nổi tiếng ngay tại quê hương Ấn Độ mà chúng ta có thể kể đến đó là đền thờ thần Mặt Trời Konark ở Orissa ngôi đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 13 TCN, tại Konark, ở Orissa, Ấn Độ. Nó được vua Narasimhadeva (1236-1264 CE)  xây dựng từ đá sa thạch ôxy hóa và pha chất sắt. Ngôi đền này là một trong những ngôi đền nổi tiếng nhất ở Ấn Độ và là một trong 7 kỳ quan của đất nước này. Năm 1984 ngôi đền thờ thần Mặt Trời trên đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đồng thời đây cũng là một trong 7 kỳ quan của đất nước Ấn Độ. Không chỉ có ở Ấn Độ mà ngay tại quốc gia láng giềng với nước này là Trung Quốc đền thờ thần Mặt Trời cũng được xây dựng với một quy mô to lớn, đó là Thiên Đàn ở Bắc Kinh. Đây chính là nơi các ông Vua của Trung Hoa đến tế lễ vào các dịp quan trọng cầu cho mùa màng, đất nước, nhân dân được thái hòa, no ấm. Cấu trúc của Thiên đàn bao gồm hai hình đó là hình vuông bên ngoài và hình tròn ở bên trong đó là biểu tượng của trời và đất. Thật ra quy luật vuông tròn này chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy ngay trong các lăng mộ của các các vị Vua triều đại nhà Minh (Trung Quốc) đó là những kiến trúc Bảo Thành, Minh Sơn vuông và tròn cũng như để tượng trưng cho trời và đất, cho âm và dương.  

              III/ Những Khả Năng Về Sự Tồn Tại Đền Thờ Thần Mặt Trời Trong Văn Hóa Óc Eo

       3.1 / Giới Thiệu Khái Quát Về Văn Hóa Óc Eo

          Văn Hóa Óc Eo là một nền văn hóa cổ ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long của Nam Bộ Việt Nam ngày nay. Nền văn hóa này được phát hiện đầu tiên vào khoảng những năm 1920 nhờ vào phương pháp không ảnh (chụp ảnh từ trên cao) của nhà khảo cổ học người pháp tên là Louis Malleret. Văn hóa Óc Eo cũng chính thức được khai quật vào năm 1944 cũng do Louis Malleret thực hiện. Nền văn hóa Óc Eo này thường được gắn liền với vương quốc cổ Phù Nam mà kinh đô của nó là ở Angko Borei, vương quốc cổ Phù Nam đã từng được nhắc tới rất nhiều trong các thư tịch cổ của Trung Quốc mà tiêu biểu là Lương Thư. Theo như các nhà nghiên cứu nhận định thì Óc Eo vốn là một cảng thị trên con đường buôn bán quốc tế, Cảng thị này cũng đã từng có một thời sầm uất trên bến dưới thuyền đóng một vai trò là một trạm dừng chân quan trọng trong những hải trình buôn bán quốc tế đương thời. Tuy nhiên từ thế kỷ thứ VII trở đi do những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau (trong đó yếu tố tự nhiên có một vai trò quan trọng) đã dần làm cho cảng thị Óc Eo mất dần tầm quan trọng của mình để rồi sau đó nó đã tạo tiền đề cho sự lụi tàn của nền văn hóa nổi tiếng này . Trước năm 1975 việc nghiên cứu văn hóa Óc Eo chủ yếu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu cũng như các học giả nước ngoài . Từ sau năm 1975

          3.2/  Một Số Kiến Trúc Tôn Giáo Trong Văn Hóa Óc Eo

           Do nằm ở một vị trí chiến lược quan trọng như đã trình bày ở trên, văn hóa Óc Eo từ sớm đã có tính chất của một nền văn hóa gắn với hoạt động thương mại mà cụ thể là những cảng thị nằm trên con đường buôn bán quốc tế, điều đó tất yếu đã tạo ra sự giao lưu văn hóa vô cùng lớn đối với nền văn hóa Óc Eo. Trong những mối giao lưu ảnh hưởng đó thì Tôn giáo, Tín ngưỡng là điều không thể thiếu. Văn hóa Óc Eo có sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ một số nền văn hóa bên ngoài mà đặc biệt là từ Ấn Độ. Các di tích kiến trúc mang mầu sắc tôn giáo trong văn hóa Óc Eo đã được các nhà nghiên cứu quan tâm, lý giải từ rất sớm trong sự đa dạng, phong phú về loại hình di vật cũng như hệ thống đồ sộ các di tích. chúng ta có thể liệt kê một số những di tích kiến trúc tôn giáo này như di tích : Kiến trúc Nền Chùa, kiến trúc Gò Cây Trôm, một số kiến trúc ở Ba Thê, kiến trúc Linh Miếu Bà, kiến trúc gò Tháp Mười, kiến trúc gò Minh Sư , kiến trúc Gò Xoài, kiến trúc gò Năm Tước, Gò Đồn, Trâm Quỳ, Cây Gáo …v…v…. Trong đó đặc biệt là những kiến trúc như: Kiến trúc Linh Miếu Bà, Gò Tháp Mười, Gò Xoài , Gò Minh Sư, Gò Cây Gáo … là những kiến trúc mang mầu sắc tôn giáo đậm nét. Di tích chùa Linh Sơn còn được gọi là chùa Phật bốn tay núi Ba Thê, tọa lạc tại xã Vọng Thê (nay là thị trấn Óc Eo), huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Việt Nam. Đây là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng của tỉnh. Cũng tại nơi đây một pho tượng phật bốn tay đã được tìm thấy và có cả một tấm bia đá ghi những văn tự cổ mà theo các nhà nghiên cứu thì trên đó có khắc chữ Sankrit cổ. Cả hai cổ vật này đều có niên đại vào khoảng từ thế kỷ II đến thế kỷ VI sau công nguyên. Bức tượng Phật bốn tay đó (theo cách gọi dân gian) chính là bức tượng thần Vishnu trong Bà La Môn giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ. Sự ảnh hưởng của các yếu tố tôn giáo từ bên ngoài du nhập vào Óc Eo là rất mạnh mẽ từ đó chúng ta thấy rằng trong tất cả các kiến trúc, di tích còn sót lại của nền văn hóa nổi tiếng này thì kiến trúc liên quan đến tôn giáo chiếm một số lượng khá lớn và tính chất rất quan trọng. Di tích Nam Linh Sơn Tự là một di tích nằm cách chùa Linh Sơn 60m, qua các cuộc khai quật vào những năm 1998, 1999 các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã làm phát lộ một di tích có tính chất tôn giáo quan trọng, đây là những kiến trúc thờ tự tương đối lớn, tồn tại trong văn hóa Óc Eo suốt một thời gian dài (có thể dễ dàng nhận thấy qua các dấu tích xây dựng mà khảo cổ học đã khai quật tại đây).  Khu di tích Gò Tháp được biết đến từ những năm cuối thế kỷ XIX và những thập kỷ đầu thế kỷ XX, một số nhà nghiên cứu người Pháp đã đến đây khảo sát cũng như công bố những phát hiện quan trọng về một số dấu tích kiến trúc cổ, tượng thờ, bia đá và văn tự cổ…

Từ sau năm 1975 khu di tích này được các nhà khảo cổ học Việt Nam đặc biệt quan tâm, đã tiến hành khảo sát, đào thám sát và khai quật nhiều lần. Đến nay, có thể nhận biết quy mô và tính chất của khu di tích Gò Tháp gồm 3 loại hình đó là: di chỉ cư trú, di tích kiến trúc và di tích mộ táng . Khu di tích Gò Tháp bao gồm các di tích tiêu biểu như : Gò Tháp Mười, Gò Minh Sư, Gò Bà Chúa Xứ. Trong di chỉ Gò Minh Sư qua các cuộc khai quật các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng đây là một di tích vừa có tính cư trú vừa có tính chất di chỉ mộ táng. Khu vực cư trú nằm phía dưới chân gò và rộng khắp cánh đồng chung quanh , bên cạnh đó thông qua các cuộc khai quật các nhà khảo cổ học cũng thu lượm được ở đây những chiếc nồi, chum có dấu tích của tro cốt. Ngoài các di tích cư trú và mộ táng thì tại khu vực Gò Tháp còn có một loại hình kiến trúc độc đáo đó là kiến trúc mang tính chất tôn giáo. Cụ thể, tại khu di tích  ‘Gò Tháp cao hơn mặt ruộng xung quanh khoảng 3,8m, diện tích chừng 4500m2. Từ những cuộc khảo sát của L.Malleret đã phát hiện trên gò có nhiều gạch và hàng chục khối đá lớn, yoni, cột… (như 3 cột lớn bằng đá hoa cương mặt cắt ngang hình vuông cạnh 0,48m, dài 1,56m, 1,10m và 1,42m, một đầu có chốt đầu kia có mộng để ghép nối theo chiều cao). Dấu tích rõ ràng nhất là kiến trúc gạch dài 17,30m theo hướng Đông – Tây, rộng 12m (Bắc – Nam), cạnh bẻ góc, đối xứng hai phần Bắc – Nam, cho thấy kiến trúc khá quy mô và có liên quan đến nhiều kiến trúc khác xung quanh. Di vật gồm những mảnh gốm bình ấm có vòi, một số mảnh vỡ của Yoni, tượng Visnu, khuông đúc, đặc biệt có 2 tượng Visnu rất đẹp tuy không nguyên vẹn’’[5]. Những đường dẫn nước được thiết kế có mục đích sử dụng trong những nghi lễ với vị trí đặc biệt, kết hợp với bình đồ kiến trúc tổng thể của những di tích ở đây là một bằng chứng không thể chối cãi về tính chất tôn giáo của những công trình kiến trúc này. Việc khai quật những di tích này đã mang đến những nhận thức sâu sa cho các nhà nghiên cứu.

Cũng trong khu di tích Gò Tháp này, một loại hình kiến trúc độc đáo đã được phát hiện đó là những trụ gạch được xây dựng trong khu vực trung tâm của kiến trúc nhìn từ trên xuống giống như hình chữ vạn mà theo các nhà nghiên cứu có tên tuổi trước đây cho rằng đó là những kiến trúc mộ táng, các nhà nghiên cứu đã phát hiện được một ít tro than ở tận đáy những trụ gạch vuông này tuy nhiên chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào cho thấy những than tro đó là xương cốt của người. Mặt khác trong các cuộc khai quật, các nhà khảo cổ học đã thu được một số mảnh vàng trong các trụ gạch đó, quan sát những họa tiết khắc trên những mảnh vàng ấy, chúng ta có thể thấy rằng trên những mảnh vàng đó thường khắc những hình hoa sen, hình voi hoặc là hình những vòng tròn như biểu tượng của mặt trời hay là biểu tượng của những bánh xe thần mặt trời Surya. Như vậy chúng ta có thể thấy rằng giả thiết mộ táng về những trụ gạch này có vẻ như đã không đứng vững vì trên thực tế những hiện vật mà chúng ta thu được trong những trụ gạch đó minh chứng cho khả năng những trụ gạch này là những công trình kiến trúc mang tính chất tôn giáo. Việc phát hiện ra những mảnh vàng có khắc hình voi trong trụ gạch tại di tích Gò Xoài (1987) càng củng cố mạnh mẽ hơn quan điểm về tính chất tôn giáo, thờ tự của những trụ gạch này. hình voi xuất hiện trên tám lá vàng hình chữ nhật (dài 2,9x3,3cm; rộng 2,6x3,0cm). Những hình voi này được chạm khắc ở nhiều tư thế đứng khác nhau. Trong đó, bốn hình trong tư thế nhìn ngang, đầu hướng về phía trước, ngà cong nhọn, vòi buông thẳng xuống dưới, có một hình còn có thêm nhiều chấm nổi nhỏ trên trán. Ba hình voi khác trong tư thế nhìn ngang, đầu hướng về phía trước , ngà cong, vòi buông thỏng rồi cong nhẹ lên. Trong đó, hai con voi có trang trí những chấm nhỏ nổi ở trán. Hình voi thứ tám thể hiện đầu quay ngang, ngà nhọn, vòi uốn cong lên đến miệng, trên trán có chấm nổi. Nhìn chung, những hình trên đều được khắc họa khá hiện thực, dáng cân đối, trong tư thế vận động. Việc tìm thấy tám lá vàng hình voi bố trí theo tám hướng xung quanh những di vật vàng khác bên trong ô cát ở trung tâm kiến trúc Gò Xoài làm chúng ta liên tưởng đến biểu tượng của tám vị thần “bảo vệ, canh giữ thế giới” trong An Độ Giáo. Hoặc là tám con voi giúp tám vị thần bảo vệ lãnh địa của mình. Đó là voi Airavata của Indra bảo vệ hướng đông, voi Sarvabhaura của Kubera- hướng bắc, voi Vâmana của Yama- hướng nam, voi Anjana của Varuna- hướng tây, voi Pudarika của Agni - hướng đông nam, voi Kumuda của Surya- hướng tây nam, voi Pushpadanta của Vayu- hướng tây bắc, voi Supratica của Soma (hay Isanhi) - hướng đông bắc. Ngoài ra tám hướng ấy phải chăng là tám hướng lan tỏa của những tia sáng mặt trời ? Những lá vàng có khắc hình tượng những vòng tròn hoàn toàn có thể giúp chúng ta đặt ra một giả thiết về sự tồn tại của đền thờ thần Mặt Trời hay chí ít cũng liên quán đến Mặt Trời trong các di tích thuộc nền văn hóa Óc Eo.

                 3.3/ Khả Năng Tồn Tại Đền Thờ Thần Mặt Trời Trong Văn Hóa Óc Eo 


      Như chúng ta đã biết, thần mặt trời hầu như ngự trị trong mọi nền văn minh của nhân loại từ buổi đầu sơ khai lịch sử loài người cho tới tận ngày nay. Trong cán nền văn minh phương đông cổ đại mà đặc biệt là nền văn minh Ấn Độ thì thần mặt trời là một vị thần vô cùng quan trọng . Văn hóa Óc Eo đã được khẳng định là có sự giao lưu, ảnh hưởng bởi những nền văn minh lớn trên thế giới như văn minh Ấn Độ, Trung Quốc và cả với văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại (thông qua những đồng tiền La Mã đã tìm thấy trong các di tích thuộc văn hóa Óc Eo). Như vậy, mối quan hệ, gắn bó giữa văn hóa Óc Eo và các nền văn hóa khác chắc chắn đã diễn ra. Đặc biệt là sự ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ. Bên cạnh đó, trong tất cả các nền văn minh kể trên thì thần Mặt Trời như đã trình bày có một vị trí đặc biệt quan trọng như vậy một lẽ dĩ nhiên là trong văn hóa Óc Eo thì phong tục thờ thần Mặt Trời chắc chắn phải có. Trong các bình đồ kiến trúc của các di tích mà chúng ta đã khai quật, nghiên cứu thì phần lớn các bình đồ kiến trúc ấy là kiến trúc tôn giáo, nhưng những kiến trúc đó thờ những ai?, mục đích gì ? Việc phát hiện ra các tượng của thần Vishnu trong các di tích kiến trúc như ở Gò Thành chẳng hạn thì chắc chắn rằng kiến trúc tôn giáo đấy là để phục vụ cho việc thờ thần Vishnu. Còn những nơi không phát hiện được tượng thì sao ? có lẽ chúng ta phải căn cứ trên những hiện vật tìm được để đoán định về công năng của những công trình kiến trúc này. Khả năng về sự tồn tại của đền thờ thần Mặt Trời trong văn hóa Óc Eo là hoàn toàn có cơ sở khi chúng ta xem xét những dấu tích còn lại trong những khu vực kiến trúc đã được khai quật. Chẳng hạn như di tích kiến trúc Miếu Bà Chúa Xứ (tại khu vực Gò Tháp Mười, Đồng Tháp) khi quan sát bình đồ kiến trúc tại nơi đây chúng ta thấy rằng ở khoảng chính giữa của công trình kiến trúc là một biểu tượng hình học mang nhiều ý nghĩa mà một số học giả trước đây đã gọi nó là hình hoa thị, được xây dựng bằng gạch, tuy nhiên chúng ta hãy thử mở rộng hơn nữa khả năng tưởng tượng của não bộ, nhân văn, khái quát hóa hơn nữa về biểu tượng hình học này thì không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là hình ảnh của mặt trời với 8 tia sáng của nó (tuy chỉ còn lại 7 tia nhưng chắc chắn phải là 8 tia) tượng trưng cho ánh sáng mặt trời lan tỏa khắp bốn phương tám hướng. Điều đó có nghĩa là nơi đây cũng chính là một trong những đền thờ thần Mặt Trời của nền văn hóa Óc Eo. Không chỉ dừng lại ở một phát hiện đơn thuần như vậy, cuộc khai quật Gò Cây Gáo (Trị An , Đồng Nai) đã cung cấp một tư liệu đặc biệt quan trọng cho những nhà nghiên cứu.

Nhìn trên tổng thể bình đồ kiến trúc của gò Cây Gáo thì phần trung tâm khu vực kiến trúc của di tích Gò Cây Gáo là một vòng tròn bên ngoài được bao bọc bởi một hình vuông được xây bằng gạch và một hình vuông lớn hơn lại tiếp tục được xây dựng bao bọc hình vuông nhỏ. Kiến trúc này khiến chúng ta gợi nhớ tới kiến trúc của Thiên Đàn (Đàn Tế Trời) tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Vòng tròn được xây dựng tại trung tâm của kiến trúc cho chúng ta thấy ý nghĩa quan trọng của nó. Bên trong vòng tròn tại di tích Gò Cây Gáo các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng có một ít than tro, than tro đó theo ý kiến của cá nhân thì phải chăng đó là sản phẩm cuối cùng của quá trình phát sáng, thiêu đốt của mặt trời. Không chỉ dừng lại ở đấy, việc phát hiện ra những lá vàng có khắc những họa tiết hoa văn là những hình tròn , điều đó tạo cho người quan sát một sự liên tưởng đến chiếc bánh xe của thần Mặt Trời Saurya trong nền văn minh cổ đại của Ấn Độ. Những lá vàng có họa tiết trang trí khá giống với bánh xe thần Mặt Trời Saurya. những chiếc nan hoa được thể hiện trên những miếng vàng tại các khu di tích mà các nhà khảo cổ học đã khai quật được giúp chúng ta liên tưởng đến hình tượng của những chiếc bánh xe thần Mặt Trời tại đèn thờ thần Mặt Trời ở Karnack (Ấn Độ). Một bằng chứng không thể chối cãi về việc tồn tại đền thờ thần Mặt Trời trong nền văn hóa này đó là việc tìm ra tượng thần Saurya. Bức tượng thần Mặt Trời Saurya này được làm từ đá Sa Thạch được phát hiện vào mùa hè năm 1928. Niên đại được nhận định, của bức tượng vào khoảng trên dưới 1500 năm cách này nay. Đặc điểm của bức tượng này là pho tượng sinh động tạc trong tư thế đứng, với ghi chú về chiều cao 90 cm, bề ngang chỗ rộng nhất 38 cm, nặng 80 kg. Tượng tạo hình với mũ trụ (hình bát giác) đội trên đầu, hàng lông mày trên phía mắt phải kéo dài ra gần nối với hàng lông mày trên mắt trái, thành nét mày liên hoàn trông tựa hình đôi cánh chim mỏng đang bay, vắt ngang vầng trán của thần. Hai tai đều có đeo hoa tai dài xuống chạm vai. Cổ tay có đồ trang sức và hai bàn tay đang cầm hai nụ hoa sen đưa lên trước ngực. Nhìn kỹ, tượng thần bận áo cổ tròn có những đường gờ linh động ở thân áo, tạo thành nếp gấp mềm mại kéo dài xuống phía đầu gối. Với tạo hình mỹ thuật hài hòa, cân đối, tượng thần Surya không chỉ điển hình cho nghệ thuật chạm khắc của nền văn hóa Óc Eo một thời mà còn được xem là một trong những tác phẩm đại diện và tượng trưng cho một phong cách nghệ thuật sớm ở khu vực Đông Nam Á .

                Như vậy từ những vấn đề đã nêu ra ở trên chúng ta hoàn tòan có đủ cơ sở để tin rằng trong lịch sử phát triển rực rỡ của mình đặc biệt ở lĩnh vực tôn giáo, thì thần Mặt Trời cũng có một ý nghĩa quan trọng đối với nền văn hóa Óc Eo ngay tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngày nay. Việc phát hiện ra những dấu vết liên quan đến đền thờ thần Mặt Trời và tượng thần Mặt Trời cho phép chúng ta tin rằng trong những kiến trúc tôn giáo tìm thấy trong văn hóa Óc Eo chắc chắn có tồn tại đền thờ thần Mặt Trời. Bên cạnh đó những kiến trúc gạch được xếp theo hình chữ Vạn cũng không phải là những mộ táng đơn thuần mà nhiều khả năng đó là những kiến trúc tôn giáo được sử dụng cho việc thờ tự. Tuy nhiên những phát hiện và suy nghĩ trên mới chỉ dừng lại ở mức độ gợi mở, cần tiếp tục được nghiên cứu ở những công trình có tính chất chuyên khảo, với những cuộc điều tra, điền dã, thám sát, khai quật khảo cổ học một cách khoa học và nghiêm túc nhất.

Tài Liệu Tham Khảo: 


n    Lê Xuân Diệm-Đào Linh Côn-Võ Sỹ Khải (1995). Văn Hóa Óc Eo Những Khám Phá Mới .NXB Khoa Học Xã Hội
n    Lương Ninh (2006) . Nước Phù Nam . NXB Đại Học Quốc Gia
n    Một Số Vấn Đề Khảo Cổ Học Miền Nam Việt Nam Tập II (2003) . NXB Khoa Học Xã Hội
n    AnJana Mothar Chandra (2009) . 5000 năm Lịch Sử Và Văn Hóa Ấn Độ . NXB Văn Hóa Thông Tin



































[1] http://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD_t%C3%B4n_gi%C3%A1o
[2] http://vi.wikipedia.org/wiki/Stonehenge
[3] http://www.khoahoc.com.vn/khampha/1001-bi-an/36441_Tiet-lo-dong-troi-ve-dai-thien-van-Stonehenge.aspx
[4] http://www.khoahoc.com.vn/khampha/1001-bi-an/36441_Tiet-lo-dong-troi-ve-dai-thien-van-Stonehenge.aspx
[5] http://namkyluctinh.org/a-vh-vminh/nthau-ditichgothap.htm