Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Lăng Võ Di Nguy

                                                                                                Lăng Võ Di Nguy


Họ Vũ – Võ Việt Nam vốn có khá nhiều danh tướng cả đời tận trung báo quốc, hi sinh vì nghĩa lớn. Trong các thời đại khác nhau đều có những tướng quân trung dũng, tài ba, thao lược nơi chốn xa trường trực tiếp chỉ huy ba quân, tướng sỹ lập nên công trạng lớn được sử sách lưu danh. Trong loạt bài về Đình, Chùa, Lăng, Miếu của người Việt tại tp.HCM mà người viết đang thực hiện thì không thể không nhắc đến lăng mộ của một vị tướng chỉ huy thủy quân dưới thời nhà Nguyễn đã từng theo bước vua Gia Long ngược xuôi khắp nẻo trong sự nghiệp thống nhất sơn hà và đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đó chính là lăng của Bình Giang Quận Công Võ Di Nguy .    

Lăng Võ Di Nguy hiện nay tọa lạc tại số 19 đường Cô Giang, phường 2 quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh, là một di tích kiến trúc được xếp hạng cấp quốc gia còn lưu giữ lại được nhiều nét kiến trúc cổ kính. Vốn là một vị võ tướng từng theo bước vua Gia Long chinh chiến, tung hoành ngang dọc và là một chỉ huy thủy quân xuất sắc trong nhiều trận đánh nên Võ Di Nguy là một “Khai Quốc Công Thần” của triều Nguyễn, chính vì thế nên sau khi ông qua đời vì trận mạc, vua Gia Long đã tổ chức tang lễ cho ông rất trọng thể và cho xây dựng lăng mộ quy mô, cầu kỳ trong đường nét kiến trúc như để thể hiện tấm lòng trân trọng của nhà vua tới trung thần Võ Di Nguy .

Nhìn một cách tổng thể thì lăng Võ Di Nguy bao gồm hai phần chính đó là đền thờ và phần mộ. Đền thờ là nơi đặt bài vị, khám thờ, kiệu cũng như những sắc phong của vua ban cho Võ Di Nguy. Phần mộ là nơi an táng thi hài của ông. Cả hai phần kiến trúc này đều được xây dựng một cách quy mô, bề thế, và đạt được sự hòa hợp tuyệt vời của yếu tố nghệ thuật, thể hiện sự oai phong, uy nghiêm của nơi an nghỉ một vị danh tướng !

Đền thờ lăng Võ Di Nguy được xây dựng sau khi đã dựng xong mộ phần. Ban đầu, đền được xây dựng với những vật liệu truyền thống như hệ thống vì kèo bằng gỗ, mái điện lợp ngói âm dương, tuy nhiên qua thời gian, phần kiến trúc này đã bị hư hại đi nhiều, trải qua một số lần trùng tu, tôn tạo, điện thờ đã được xây dựng lại với những vật liệu hiện đại như xi măng, bê tông cốt sắt…. Tuy nhiên đền thờ vẫn mang dấp dấp của những tòa kiến trúc cổ với kết cấu điện theo kiểu tứ trụ, phần mái bê tông gồm hai tầng, tám mái, tầng lớn ở dưới, tầng nhỏ ở trên góp phần làm tăng chiều cao cũng như tạo vẻ to lớn, tráng lệ cho khu lăng. Mặt khác kiểu kiến trúc này còn tận dụng được lượng ánh sáng tự nhiên cho khu vực đền thờ. Phía trên gờ nóc mái của đền có trang trí cặp Lưỡng Long Tranh Châu bằng gốm men, đường nét tạo tác sắc xảo thể hiện rõ cái hồn của tác phẩm. Hai con rồng với khí thế mãnh liệt đang hướng về trái châu ở chính giữa với từng đường nét chuyển động cho thấy sức mạnh của loài linh thú. Ngoài ra tại mỗi đầu đao cong của từng mái cũng được trang trí những họa tiết hoa văn, biểu tượng thường thấy trong các kiến trúc cổ như hoa văn dây lá hóa rồng độc đáo, cầu kỳ và tinh xảo.   

Tọa lạc trên một diện tích 130,5 m2 bên trong điện thờ chính có những hàng cột bằng gỗ mun rất quý hiếm được dựng lên để chống đỡ hệ thống mái. Hai bên điện thờ chính là Đông Lang và Tây Lang, Đông Lang là khu vực nhà khách của lăng còn Tây Lang là nơi đặt bàn thờ của các vị trong Hội Phú Trung đã có công lao gìn giữ, trông nom đền thờ của vị danh tướng, ngoài ra Tây Lang còn có vai trò là một nhà kho .

Trong chính điện là nơi đặt khám thờ của Bình Giang Quận Công Võ Di Nguy, ngoài ra còn có một số những bàn thờ khác như bàn thờ Hội Đồng với chiều cao 1,2m chiều rộng 1,09m được trang trí phía mặt ngoài với những bao lam theo kiểu chạm nổi và đặc biệt là nghệ thuật khảm trai ở trình độ tinh xảo. Những họa tiết chim, hoa, lá…..uyển chuyển linh hoạt và thật sống động. Ngoài ra trong chính điện còn đặt bàn thờ cháu đích tôn của Võ Di Nguy là Võ Di Thái. Bàn thờ này cũng được chạm khắc rất tinh xảo và có gắn bao lam gỗ với đề tài cúc điểu .

Chính giữa điện thờ ở vị trí quan trọng nhất có đặt bàn thờ, trên bàn thờ có đặt khám thờ của Bình Giang Quận Công Võ Di Nguy. Khám thờ Bình Giang Quận Công bằng gỗ được tạo tác vô cùng tinh xảo, cao lớn theo lối chạm lộng và sơn son thiết vàng. Phía trên cùng của khán thờ có chạm phù điêu “Lưỡng Long Triều Nhật” hình thức chạm nổi với đường nét rất chi tiết, tả thực. Hai con rồng dũng mãnh uốn lượn chầu hai bên mặt trời thể hiện dáng vẻ uy nghiêm cho toàn bộ khám thờ. Phía dưới phù điêu là những hoa văn trang trí dạng “ô – hộc”” rất phổ biến trong nền mỹ thuật trang trí triều Nguyễn. Bên trong những “ô – hộc” này, những đề tài hoa văn, dây lá, cũng được thể hiện mềm mại và tự nhiên. Bốn chữ Hán “Uy Liệt Nam Bang” chính giữa khám thờ được thiết vàng trên nền đỏ thể hiện được sự uy dũng của bậc danh tướng nước Nam oai linh và lẫm liệt ! Tại khám thờ, hai bên tả hữu có chạm nổi hai câu liễn đối chữ hán với nội dung : “Thượng tướng nước Nam, dũng liệt anh linh . Thủy vệ trung quân, vang danh hiển hách”[1]. Cặp liễn đối này cho thấy cuộc đời oanh liệt đầy hào hùng của tướng Võ Di Nguy. Bên trong khám thờ có viết một chữ Hán “Thần” thiết vàng điều này cho thấy Bình Giang Quận Công đã trở thành bậc Sinh Vi Tướng, Tử Vi Thần theo quan niệm truyền thống của dân tộc ta. Đồng thời trong khám thờ cũng có một số vật dụng dùng để đựng sắc phong của Vua phong cho Võ Di Nguy điểm nhấn của khám thờ là bài vị của Bình Giang Quận Công được viết bằng Hán tự rất công phu với bút lực mạnh mẽ, phóng khoáng. Hai bên khám thờ của Võ Di Nguy có hai khám thờ Tả Ban và Hữu Ban cũng được chạm trổ cầu kỳ. Phía trước khám thờ Võ Di Nguy còn có một cặp Lỗ Bộ ở hai bên tả hữu như càng làm tăng thêm sự trang trọng uy nghiêm. Mặt khác đây cũng là những binh khí gắn liền với cuộc đời chinh chiến của một võ tướng.

Trong chính điện đền thờ còn có một số vật dụng thờ tự khác mà tiêu biểu là tượng Bạch Mã được tạo tác bằng xi măng và  thuyền Rồng bằng gỗ được chạm khắc hoa văn và cẩn đồng tượng trưng cho những chiến thuyền mà Võ Di Nguy đã từng chỉ huy trong các trận đánh. Đặc biệt chiếc Long sàn được làm bằng gỗ quý với kích thước ngang 1,2m dài 1,6m cao 0,8m là một hiện vật quý với những đường nét tạo tác đạt đến trình độ cao. Bốn chân Long sàn được chạm khắc thành hình rồng bốn móng[2] với dáng vẻ mạnh mẽ, Long sàn còn được gắn bao lam với kỹ thuật chạm thủng những đề tài như : chim Phượng Hoàng, Lưỡng Long Triều Nhật, khí thế dũng mãnh gây ấn tượng trực giác mạnh. Trước Khám thờ Võ Di Nguy còn có cặp hạc bằng gỗ đứng trên lưng rùa cao 1,8m thân dài 1m là một trong những motip truyền thống thường thấy trong những kiến trúc đình, chùa, lăng miếu của người Việt thể hiện vẻ thanh cao, vững chãi, thoát tục.    

Phía sau đền thờ là đến khu vực mộ phần của Võ Di Nguy. Có một bức phù điêu Long Mã lưng mang hộp ấn lệnh đang vẫy vùng trong sóng nước với kích thước khá lớn 2,75m x 1,75m. Bức phù điêu này có vị trí ở phía mặt sau của bức tường chính điện đền thờ, đối diện với cổng mộ, làm cho khung cảnh càng thêm phần uy nghi trang trọng và cổ kính.

Tổng thể khu vực mộ Võ Di Nguy có kích thước chiều dài 25,75m, chiều rộng 14,5m được xây dựng vào năm 1801 với vật liệu là hợp chất ô dước cổ vốn được sử dụng rất nhiều trong việc xây dựng lăng mộ ở khu vực Sài gòn – Gia định cũng như Nam Bộ thế Kỷ XVIII – XIX. Kiến trúc tổng thể khu mộ bao gồm : cổng mộ, bình phong tiền, sân tế, bàn hiến tế, nấm mộ và bình phong hậu. Khuôn viên kiến trúc mộ phần đều được bao quanh bởi hệ thống tường (còn gọi là Uynh Thành hay Bửu Thành).

Trong cái không gian yên ả, tĩnh lặng của chốn nghìn thu này, tất cả mọi thứ như ngừng lại chỉ còn thoảng đâu đó một chút gì u hoài trong dấu vết của thời gian ngừng đọng trên những khối chất ô dước cổ trầm mặc cùng năm tháng! Trên cái nền ấy chúng ta bắt gặp được sự đồng điệu giữa cảnh, tình và tổng thể kiến trúc. Đầu tiên là phần cổng mộ được tạo tác trên chất liệu ô dước vững chắc tuy nhiên nhờ những đường nét tạo tác, trang trí độc đáo và mềm mại, nên cổng mộ không mất đi vẻ nhẹ nhàng, thanh thoát mà ngược lại còn có giá trị thẩm mỹ rất cao. Cổng mộ rộng 2,05m cao 2,38m, gồm hai trụ cổng, trên đỉnh trụ được tạo tác hình búp sen. Sau khu vực cổng mộ là tới bình phong tiền. Bình phong Tiền và bình phong Hậu có tác dụng che chắn cho ngôi mộ và góp phần tạo nên sự uy nghi tráng lệ cho ngôi mộ.

Bình Phong Tiền mộ Võ Di Nguy có chiều cao 2,4m rộng 3,1m dầy 0,6 m được tạo tác bằng chất liệu ô dước. Trên bình phong hiện còn lưu giữ những Hán tự cổ, tuy nhiên đã mờ nhạt theo năm tháng. Những phù điêu trang trí trên bình phong tiền thật mềm mại gồm những đề tài sơn thủy kết hợp với Tùng - Lộc thể hiện nên một bức tranh thủy mặc rất có tình, những đường nét lượn cong của bình phong tại những khu vực góc cạnh cũng được điêu khắc làm giảm đi sự cứng rắn của bình phong. Một cặp lân cũng được khéo léo đặt hai bên, gắn kết với bình phong tiền như để đỡ lấy tấm bình phong và canh giữ cho ngôi mộ. Cặp lân này được chế tác cũng từ hợp chất ô dước với từng đường nét chạm khắc tinh xảo, chiều cao mỗi con là 1,6m dáng vẻ mỗi con đều thể hiện được sự hung giữ và khỏe mạnh với những đường cơ bắp nổi rõ và cuộn lên trong tư thế quỳ hai chân sau, mắt được làm bằng gốm màu đỏ hướng về phía nấm mộ như để canh giữ. Miệng hai con lân há rộng, những xoắn ốc trên lưng được thể hiện rõ nét cũng như bộ móng vuốt sắc nhọn luôn sãn sàng lao tới vồ lấy những kẻ xâm phạm chốn linh thiêng này .

Sau bình phong Tiền là khu vực sân tế dài 14,5m rộng 5,76m, hai bên sân có hai bức bình phong nữa đối xứng nhau qua sân tế. Hai bức bình phong này với hệ thống chân dạng sập quỳ tạo nên sự uy nghiêm, kính cẩn của nơi thờ tự. Hai chân dạng sập quỳ này cũng được trang trí những họa tiết hoa văn mềm mại thể hiện được nghệ thuật tạo hình của người thợ đương thời trên loại hợp chất cổ rất rắn chắc. Hai bức bình phong ở đây cũng được khắc những Hán tự cổ, tuy nhiên do chữ đã bị mờ nhạt vì thời gian nên không dịch được nữa. Hai bên tả hữu của mỗi bức bình phong đều có hai trụ, trên hai trụ đó có đặt tượng hai con lân với đường nét tạo tác không khác biệt với cặp lân cạnh bức bình phong Tiền

Khu vực sân tế tiếp theo sau thông qua một cổng mộ thứ hai có kích thước lớn (rộng 3,45m) hai bên cổng mộ thứ hai này có hai trụ cổng cao 3,42m trên đỉnh trụ có điêu khắc phù điêu búp sen. Hai cột trụ cũng được trang trí bởi những phù điêu hoa, lá, cỏ cây, tùng điểu, mai điểu…..Trên hai cột trụ cổng này cũng có khắc những Hán tự, tuy nhiên do thời gian quá lâu nên hiện cũng không còn đọc được .

Qua khỏi lớp cổng thứ hai này là tới mộ của Bình Giang Quận Công Võ Di Nguy. Phía trước mộ của ngài có xây dựng một bàn hiến tế với chân dạng sập quỳ có kích thước dài 2,17m rộng 1,16m cao 0,53m được kê trên bốn con nghê với đường nét tạo tác tinh xảo. Bàn hiến tế được dùng để đặt các vật phẩm dâng lên cho Bình Giang Quận Công. Phía sau chiếc bàn tế lễ này là ngôi mộ của Bình Giang Quận Công Võ Di Nguy có kích thước hình chữ nhật với chiều ngang 4,14m, cao 0,62m dài 4,54m được dựng nên hoàn toàn bằng hợp chất ô dước. Hai bên mộ là tường bửu thành bao quanh, mặt trong tường có những ô hình chữ nhật với kích thước 0,4m x 0,6m được trang trí phù điêu sinh động với những đề tài hoa mai, hoa sen, chim trĩ sinh động cùng cảnh sắc thiên nhiên, sông nước mênh mông giàu sức biểu cảm của vùng  Nam Bộ !

Bình Phong Hậu kết thúc phần kiến trúc của khu mộ. Bình phong hậu cao lớn và uy nghi với kích thước chiều dài 5,78m, cao 3,1m chiều  dầy 1m bằng hợp chất ô dước sừng sững che chở cho khu lăng và gây một ấn tượng mạnh cho thị giác người quan sát. Tổng thế bình phong hậu có hình chữ nhật hai bên uốn cong với chân có dạng sập quỳ uy nghiêm. Mặt trong bình phong hậu có tạo hình hai bia mộ đó là của Võ Di Nguy và vợ (chánh thất Lê Thị Mười) của ông. Toàn thể bình phong là một tác phẩm nghệ thuật được tạo tác vô cùng khéo léo, cầu kỳ với những phù điêu hình mặt trời trên đỉnh bình phong và những hoa văn dây lá uốn lượn. Đặc biệt ở phần lượn cong hai bên bình phong hậu được tạo tác phù điêu hai con rồng dũng mãnh đang lẩn khuất trong mây (long ẩn vân) rất độc đáo và có giá trị nghệ thuật to lớn      

Lăng Bình Giang Quận Công Võ Di Nguy là một công trình công trình kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia còn lưu giữ được nhiều nét kiến trúc cổ độc đáo ở khu vực Sài Gòn – Gia Định nói riêng và vùng đồng bằng Nam Bộ nói chung. Lăng có giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật to lớn nên được bộ văn hóa công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo quyết định số 43- VH/QĐ ngày 7/1/1993

Tài Liệu Tham Khảo :  

Phạm Hữu Mý, Nguyễn Văn Đường , Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Ở Thành Phố Hồ Chí Minh, NXB Tổng Hợp TP.Hồ Chí Minh Năm 2007, Trang 296

Bảo Tàng Cách Mạng Thành Phố Hồ Chí Minh Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Thành Phố Hồ Chí Minh, NXB Trẻ Năm 1998

Sở Văn Hóa Thông Tin TP.HCM, Di Tích Lịch Sử Văn Hóa TP.HCM Một Số Cơ Sở Tín Ngưỡng Dân Gian, Ban Quản Lý Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Và Danh Lam Thắng Cảnh Năm 2001



[1] Phạm Hữu Mý, Nguyễn Văn Đường , Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Ở Thành Phố Hồ Chí Minh, NXB Tổng Hợp TP.Hồ Chí Minh Năm 2007, Trang 296
[2] Điều này cho thấy vị thế rất lớn của Võ Di Nguy 

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Lăng Trương Tấn Bửu

Lăng Trương Tân Bửu hiện nay là một trong số ít lăng mộ tại khu vực Sài Gòn- Gia Định được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia với những đường nét kiến trúc cổ độc đáo vẫn còn lưu giữ được đến tận ngày nay. Lăng hiện tọa lạc tại số 41 đường Nguyễn Thị Huỳnh, phường 8, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. Trải qua bao thay đổi cũng như sự tàn phá thầm lặng của thời gian, sự u hoài, cô tịch của lịch sử, lăng mộ Trương Tấn Bửu vẫn còn đó, vần trầm mặc rêu phong nhưng cũng thật uy nghi, lùng lẫy như chính cuộc đời của vị danh tướng !    

Theo những tư liệu cổ thì Trương Tấn Bửu sinh vào năm 1752. Ông sinh tại làng Hưng Lễ, tổng Bảo Phước, châu Định Viễn, phủ Gia Định hiện nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Thủa nhỏ ông có sức khỏe hơn người, sớm ấp ủ chí lớn và cơ hội để thỏa chí anh hùng đã đến với Trương Tấn Bửu khi vào năm Quý Mùi (1787) ông có dịp tình cờ gặp Nguyễn Phúc Ánh (tức vua Gia Long sau này) khi nhà vua đang bôn tẩu trước sự truy sát của quân Tây Sơn. Trương Tấn Bửu đã nguyện theo vua Gia Long chịu bao khổ cực, vượt bao khó khăn và liên tục được thăng chức theo những chiến công mà ông đã lập nơi chốn sa trường. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long (1802) thì Trương Tấn Bửu giữ chức trưởng dinh, quản lĩnh đạo quân Bắc Thành, tiếp sau đó ông lần lượt giữ các chức vụ quan trọng trong quân đội Việt Nam thời vua Gia Long như : Tổng tấn Bắc Thành, phó tổng trấn, rồi tổng trấn Gia Định thành. Ông lập được nhiều công lao vang dội trong việc bảo vệ trị an cho nhân dân như việc tiêu diệt bọn cướp biển Tầu Ô độc ác, trông coi việc đào kênh Vĩnh Tế cùng với Thoại Ngọc Hầu…….

Trong cả đời làm quan của mình, Trương Tấn Bửu luôn là người chính trực, hết lòng yêu nước, thương dân trung thành với triều đình, những đóng góp của ông đối với sự vững mạnh của triều đình nhà Nguyễn trong giai đoạn đầu là hết sứcquan trọng. Sau khi ông mất (1827) nhận thấy những công lao to lớn của ông nên chính quyền phong kiến triều Nguyễn đã cho xây dựng lăng mộ để tưởng nhớ đến công lao cũng như thể hiện sự tôn trọng của triều đình đến một công thần cả đời vị quốc .

Lăng Trương Tấn Bửu có cấu trúc gần tương tự như lăng của “Bình Giang Quận Công Võ Di Nguy”. Toàn thể kiến trúc của lăng có thể chia làm hai phần đó là khu vực đền thờ và khu vực mộ phần. Khu vực lăng mộ Trương Tấn Bửu tọa lạc trên một khu vực khá rộng dưới những tán cây cổ thụ tỏa bóng che mát quanh năm như làm tăng thêm không khí trang nghiêm, cổ kính của một lăng mộ đã có tuổi đời gần hai trăm năm. Tổng thể khu mộ được xây bằng gạch bên ngoài có phủ hợp chất ô dước cổ. Tại những đoạn mà hợp chất ô dước đã bị long tróc để lộ ra lớp gạch xây dựng có kích thước mỗi viên với chiều dài 40cm,, rộng 14cm và dày 7cm. Riêng phần nấm mộ của Trương Tấn Bửu thì được làm hoàn toàn bằng hợp chất ô dước đã tạo nên sự vững chắc cho ngôi mộ cùng tháng năm tồn tại.   

Đền thờ là một công trình được xây dựng mới so với khu mộ. năm 1937 hội Phú Thành (chuyên trông nom việc thờ tự tại lăng) ở Phú Nhuận đã cho xây dựng đền thờ Trương Tấn Bửu và năm 1959 có tiến hành trùng tu lại. Về cơ bản kiến trúc đền thờ Trương Tấn Bửu cũng giống đền thờ Võ Di Nguy với mái điện gồm có tầng mái nhỏ ở trên và tầng mái lớn ở dưới tạo nên sự bề thế đồng thời cũng để tăng lượng ánh sáng và đều được lợp bằng ngói âm dương.

Trên mái đền thờ có trang trí nhiều họa tiết, phù điêu có sức biểu cảm lẫn giá trị thẩm mỹ cao trong số đó tiêu biểu tại hai đầu gờ mái có trang trí phù điêu cặp cá hóa long được tạo tác với chất liệu gốm men xanh với hình dáng tự nhiên tả thực. Trên nóc đền là cặp “Lưỡng Long Tranh Châu” bằng gốm men xanh, hai con rồng được tạo tác tinh xảo cùng hướng về trái châu chính giữa theo trục nằm ngang, dáng vẻ mỗi con đều toát lên sự dũng mãnh của loài linh thú. Tất cả đều được khéo léo tạo tác khiến cho tổng thể mỹ thuật của đền thờ có được sự hài hòa gây ấn tượng thẩm mỹ trong từng chi tiết nghệ thuật tạo tác nhỏ nhất .

Đền thờ Trương tấn Bửu bao gồm hai phần đó là tiền điện và chính điện. Tiền điện được dựng lên theo kiểu tứ trụ gồm 1 gian hai chái mái được lợp ngói âm dương tạo nên vẻ thanh thoát nhưng cũng không thiếu phần uy nghiêm của nơi thờ tự. Hòa cùng không khí thiên liêng đó,trong tiền điện đền thờ lăng Trương Tấn Bửu có đặt bàn thờ Hội Đồng Ngoại, Hội Đồng Nội, giá chiêng, giá trống, tượng Bạch mã, Lỗ bộ và Long Sàn tất cả đều được tạo tác cầu kỳ và tinh xảo trong từng đường nét chạm khắc cho thấy cái hồn của nền mỹ thuật dân tộc.  

Bước vào tiền điện, đầu tiên là bàn thờ Hội Đồng Ngoại bằng gỗ được tạo tác bằng cách chạm thủng trên bao lam phía trước với những đề tài quen thuộc đó là cúc điểu, nho sóc rất tinh tế. Những chú sóc được thể hiện trong những tư thế khác nhau như đang đùa nghịch, đang tiến tới hoặc ăn những trái nho chín mọng rất tự nhiên. Khung cảnh thiên nhiên được tạo tác rất giản dị nhưng có giá trị thẩm mỹ rất cao, nó khơi gợi cho người xem hình dung ra phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp của vùng đất Nam Bộ trù phú .

Tiếp sau bàn thờ Hội Đồng Ngoại là cặp hặc đứng trên trên lưng rùa. Cặp hạc cũng được tạo tác với tỉ lệ cân xứng tạo nên vẻ thanh cao cho đôi hạc. Phía sau cặp hạc là bàn thờ Hội Đồng Nội. Bàn thờ này cũng được chạm trổ tinh xảo không kém bàn thờ Hội Đồng Ngoại. Trên bàn thờ Hội Đồng Nội có đặt bài vị với một chữ “Thần” bằng chữ hán phồn thể được thiết vàng rất cẩn trọng. Ngoài ra trong tiền điện còn có một số vật dụng thờ tự khác như cặp bạch mã với kích thước lớn như thật, dàn lỗ bộ uy nghiên sừng sững trong tiền điện làm cho không gian tiền điện thêm phần trang nghiêm uy dũng thể hiện trọn vẹn cái khí thế của một bậc võ quan !  Long sàn làm bằng gỗ và được chạm khắc cầu kỳ trong từng đường nét vốn là một trong số những cổ vật còn được lưu giữ lại được trong đền thờ !

Bên cạnh đó, trong tiền điện còn treo những bức hoành phi, câu đối được tạo tác công phu với nội dung ca ngợi công đức của “Thần” và các tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ. Những bức hoành phi này được tạo tác bằng kỹ thuật chạm chìm với nét chữ mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được nét mềm mại, phóng khoáng vốn có của Hán tự. Những hoành phi, câu đối trên góp phần làm tăng thêm vẻ cổ kính cho tiền điện.

Sau tiền điện là chính điện, đây là nơi thờ tự của Long vân Hầu Trương Tấn Bửu. Khi bước vào chính điện, chúng ta phải qua một cửa gỗ lớn với chiều cao 2,47m rộng 2,8m. Cửa gỗ này được gắn bao lam chạm thủng với những đề tài : cúc trĩ, hoa lá, trái cây……. vô cùng sinh động, những đường nét tả thực làm cho bức bao lam có giá trị hiện thực, thẩm mỹ lớn. Người xem có cảm giác như đang đứng trước một khung cảnh thiên nhiên bình dị, đầy màu sắc của cuộc sống từ những cành hoa hay chú chim đang kiếm mồi hoặc đang hót đều rất sống động và biểu cảm trong từng đường nét.

Chính giữa chính điện là khám thờ “Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu” to lớn được làm bằng gỗ với sự kết hợp các kỹ thuật chạm nổi và chạm thủng làm cho khám thờ “Long Vân Hầu” vô cùng uy nghiêm và có giá trị nghệ thuật  lớn. Khám thờ cao 2,18m rộng 1,3m. Trên cùng khám thờ có dòng chữ “Long Vân Hầu”, những hình tượng long ẩn vân cũng được chạm nổi công phu, đặc sắc trong từng đường nét trên khám thờ thể hiện sinh động hình ảnh con rồng ẩn hiện trong mây trời bao la, chập trùng như chí khí dũng mãnh của người làm trai giữa đất trời nước Nam !  Những dề tài như cúc điểu cũng được khéo léo thể hiện mềm mại sống động.

Phần kiến trúc tiếp theo là khu vực mộ phần của Trương Tấn Bửu được xây dựng bằng gạch cổ trên gạch có chữ “Bính Ngũ”, phía ngoài có một lớp vữa bằng hợp chất ô dước mỏng 1,5cm tạo nên sự bền vững cho kiến trúc. Xét về tổng thể thì khu mộ của Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu có cấu trúc tương tự như những lăng mộ khác của triều Nguyễn tại khu vực sài gòn-gia định với bố cục bao gồm : bình phong tiền, cổng mộ, sân tế, nấm mồ, bình phong hậu. Khu vực mộ tọa lạc trên một diện tích khá rộng (rộng 13m, dài 22m). Kiến trúc đầu tiên là bình phong tiền được xây dựng bằng gạch cổ có phủ hợp chất ô dước bên ngoài. Bình phong tiền có dạng hình chữ nhật với chiều dài 2,9m chiều cao 1,88m, chiều dầy 0,88m. Bình phong tiền với dáng hình vững chắc làm tăng thêm vẻ uy nghi tạo ấn tượng mạnh cho người xem. Tuy nhiên do thời gian tồn tại khá lâu nên một số chữ trên bình phong đến nay đã bị mờ không còn đọc được nữa.  

Ngay sau bình phong tiền là tới cổng mộ. Cách bố trí kiến trúc này có nhiều nét tương đồng với lăng Bình Giang Quận Công Võ Di Nguy. Cổng mộ được tạo thành bởi hai trụ hình vuông có chiều dài cạnh là 0,7m và chiều cao của hai trụ là 2m. Đoạn tường thành bao quanh khu vực mộ ở phía sau cũng bắt đầu từ hai cột trụ này. Sau phần trụ là tới khu vực sân hiến tế .  

Sân hiến tế của lăng có hình chữ nhật với chiều ngang là 5m chiều dài 13m. Đối xứng hai bên sân hiến tế có hai bức bình phong tả, hữu với kích thước chiều cao là 1,88m rộng 2,13m tuy nhiên cũng do thời gian khá dài nên những Hán tự cũng như hoa văn chạm khắc trên hai bình phong cũng không còn được rõ nữa .

Sau sân tế là tới cổng chính của mộ, đây là lớp cổng thứ hai (tính từ bình phong tiền). Cổng chính có kích thước lớn với chiều rộng là 3,65m chiều cao là 4,06m. Phía trên có lợp mái ngói, nhìn tổng thể thì cổng mộ thứ hai to lớn và cầu kỳ hơn cổng mộ thứ nhất. Chính giữa cổng mộ có lối đi hình móng ngựa cao 2m, rộng 1,7m. Vòm cổng có trang trí phù điêu cặp dơi đang bay lượn thể hiện sự phúc đức theo quan niệm xưa. Phía dưới chân hai trụ cổng có trang trí phù điêu hổ ở tư thế ngồi và hạc ỡ tư thế đứng. Hai bức phù điêu hướng về phía mộ như để bảo vệ, phục tùng và che chở cho mộ phần !  

Sau cổng mộ thứ hai này là tới phần kiến trúc quan trọng nhất của khu mộ đó là ngôi mộ của Trương Tấn Bửu và các kiến trúc thờ tự lân cận cận bao gồm bàn hiến tế, long sàn, bia mộ, nấm mộ và bình phong hậu. Bàn hiến tế được xây dựng phía trước ngôi mộ có kích thước dài 1,08m rộng 0,54m cao 0,82m. Long sàn dạng sập quỳ được bố trí ngay sau bàn hiến tế. Bia mộ của Long Vân Hầu được tạo tác tinh xảo với các phù điêu hình cúc dây xen lẫn hoa lá. Chính giữa bia có đề dòng chữ quốc ngữ : “ Trương công công, Trương Tấn Bửu trung quân phó tướng, thọ Long Vân Hầu .”[1] Phía sau bia là ngôi mộ to lớn bằng hợp chất ô dước của Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu. Toàn bộ ngôi mộ được xây dựng bằng hợp chất ô dước với kích thước chiều dài 3,3m rộng 2,1m cao 2,2m. Theo những thông tin mà người viết có được thì chính tổng trấn thành Gia Định lúc đó là tả quân Lê Văn Duyệt đã giám sát và chỉ đạo việc xây dựng ngôi mộ này cho Trương Tấn Bửu .

Ngôi mộ được xây dựng hoàn toàn bằng hợp chất ô dước nên rất chắc chắn và kiên cố cùng tháng năm, trong khi đó những hạng mục khác trong khu lăng được xây bằng gạch và phủ ô dước thì đã bong tróc và nứt nẻ khá nhiều. Ngôi mộ vẫn sừng sững phần nào thể hiện được sự uy nghiêm cũng như vị trí của Long Vân Hầu lúc còn tại thế .

Cuối mộ là bình phong hậu phía trên có lợp mái, mặt trước bình phong hậu có phù điêu mây núi chập trùng tựa như một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp. Phù điêu tùng hạc, và những loại thảo mộc cũng được khéo léo lồng ghép thể hiện chi tiết và sống động, tuy nhiên những phù điêu này cũng bị bong tróc khá nhiều trước tác động vô tình của thời gian .  

Lăng mộ Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu là một trong số khá ít lăng mộ cổ trên mảnh đất Sài gòn – Gia định cón được lưu giữ khá nguyên vẹn nét kiến trúc cổ đến tận ngày nay. Lăng mộ cổ kính, uy nghiêm, trầm mặc nằm yên ả, dưới bóng của những cây cổ thụ trăm năm tuổi mang trong mình thoáng chút u buồn, cổ kính, hoài niệm của thời gian giữa một thành phố ồn ào, náo nhiệt của thời buổi hội nhập. Lăng mộ Trương Tấn Bửu hiện nay được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo quyết định số 101/2004/QĐ – BVHTT ký ngày 15/12/2004 của bộ văn hóa .


Tài Liệu Tham Khảo    

SỜ VĂN HÓA THÔNG TIN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA TP.HCM , MỘT SỐ TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN, BAN QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA VÀ DANH LAM THẮNG CẢNH NĂM 2001

Phạm Hữu Mý, Nguyễn Văn Đường, Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Ở Thành Phố Hồ Chí Minh, NXB Văn Hóa Sài Gòn .




[1] SỜ VĂN HÓA THÔNG TIN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA TP.HCM , MỘT SỐ TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN, BAN QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA VÀ DANH LAM THẮNG CẢNH NĂM 2001

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Đình Bình Hòa, Quận Bình Thạnh

                                                   Đình Bình Hòa


            Đình Bình Hòa được xây dựng tại vùng Gia Định nay là tp.HCM, hiện tọa lạc tại số 15/77 Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh. Đình được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX, tính đến nay ngôi đình đã có lịch sử tồn tại trên 200 năm. Vị trí của đình được xây dựng trên một gò cao so với vùng xung quanh thể hiện sự tôn nghiêm của ngôi đình, bên cạnh đó đình quay mặt về phía Đông đón nhận ánh sáng của mặt trời buổi ban mai, cũng như đón nhận dương khí theo quan niệm Đông Phương cổ đại. Trải qua dòng thời gian tồn tại ngôi đình đã được trùng tu lại qua một số lần cụ thể như : vào năm 1877 đình được trùng tu dưới sự chỉ đạo của ông Lê Văn Huê, năm 1924 ông Lê Văn Ý đứng ra trùng tu lại đình, năm 1972 đình được xây dựng thêm phần võ ca với khung bằng chất liệu thép và lợp tôn. Sau năm 1975 đình có thời gian tạm thời bị bỏ quên, tuy nhiên do nhận thấy những giá trị văn hóa – lịch sử của ngôi đình này, nhà nước đã có những kế hoạch trùng tu lại ngôi đình vào những năm 1990 và quá trình trùng tu tiếp tục kéo dài cho đến đợt trùng tu lớn nhất và cuối cùng vào năm 1998 đã hoàn chỉnh về hình dáng cũng như kết cấu của ngôi đình cho đến tận ngày nay.

Nhìn chung về cơ bản qua các lần trùng tu đình Bình Hòa vẫn giữ được nét kiến trúc như ban đầu. Nhìn tổng thể đình Bình Hòa có kiến trúc dạng chữ Đinh với hai trục chính và phụ vuông góc với nhau. Giữa hai trục chính và phụ cách nhau bởi một khoảng sân nhỏ gọi là sân Thiên Tĩnh, mục đích chính của sân này là lấy ánh sáng mặt trời đồng thời qua đó tạo nên sự cân bằng giữa tối và sáng trong khu vực đình. trên phần trục chính tập trung những công trình kiến trúc quan trọng của đình bao gồm : Tiền điện, Trung điện, Chính điện. Trục phụ nằm phía bên trái của trục chính bao gồm các công trình : nhà túc, nhà kho và nhà bếp. Từ ngoài vào theo lối trục chính chúng ta gặp cổng đình được xây dựng theo kiểu tam quan, phía trên cổng đình có trang trí cặp lưỡng tranh châu bằng gốm, đường nét tạo tác mang giá trị biểu cảm thẩm mỹ cao, những đường cong uốn lượn của thân rồng như ẩn chứa một sức mạnh to lớn đang tiềm tàng tạo nên vẻ đẹp trang nghiêm cho toàn bộ công trình phía sau. Bia Ông hổ được đắp trang nhiêm, kính cẩn trong tư thế oai dũng lạ thường (bia ông hổ thường khá phổ biến trong các đình tại Nam Bộ).

Hai bên cổng đình có dựng miếu Ngũ hành và miếu Thần Nông. Tiếp sau cổng đình là tới khu vực sân đình, sân đình có diện tích khá lớn “17m x 25m”[1], sân đình được lát bằng gạch tàu, đây là nơi thường diễn ra các hoạt động vui chơi, giải trí mang tính cộng đồng, xã hội thường thấy của bất kỳ ngôi đình nào. Tiếp sau khoảng sân đình là không gian kiến trúc chính với tiền điện được thiết kế khá rộng lớn, khiến cho tổng thể kiến trúc toàn ngôi đình thêm phần uy nghi, tráng lệ.

Tiền điện bao gồm ba cửa, được làm bằng gỗ và được sơn son. Trong tiền điện, đầu tiên tác động tới thị giác của người viếng đình là những hàng cột to lớn có kích thước đường kính thân cột từ khoảng 35cm đến 40cm được làm bằng gỗ gõ vốn là loại gỗ tốt có độ bền cao. Thời gian đã làm cho những cột gỗ nơi đây có được cái vẻ trầm mặc, u hoài với thời gian như phảng phất đâu đó nỗi niềm của quá vãng. Những cột gỗ này thuộc dạng hiếm có trong kiến trúc các đình, chùa ở tp.HCM bởi kích thước của chúng. Kết cấu của tiền điện tuân theo mô thức tứ tượng tức là bốn cột gỗ chính cách đều nhau theo bình đồ hình vuông. Kết cấu Tứ tượng vốn chỉ được dùng trong các công trình, kiến trúc thờ tự. Cũng như các ngôi đình khác, đình Bình Hòa được dựng lên bằng hệ thống vì kèo, kẻ, chuyền, các kết cấu rui mè, tạo nên sự liên kết cho toàn thể công trình. Phần mái chính điện được lợp ngói tạo nên sự hòa hợp cũng như điểm nhấn cho ngôi đình.   

Trong tiền điện đình Bình Hòa có đặt Long Đình, đây chính là kiệu để rước sắc của đình trong các dịp lễ Kỳ Yên thường thấy tại vùng đất Nam Bộ. Tiếp sau tiền điện là trung điện, trung điện ở đình Bình Hòa được dựng lên bằng những cột gỗ lớn cũng theo mô thức tứ tượng như đã trình bày ở trên. Phần mái của trung điện được thiết kế theo kiểu chồng diềm bao gồm 2 tầng có tác dụng làm cho phần mái trở nên cao hơn góp phần tạo sự bề thế cho toàn thể kiến trúc cũng như lấy thêm ánh sáng cho phần trung điện. Trên mái của trung điện được trang trí bởi những phù điêu lưỡng long tranh châu ở giữa và hai bên trái phải là những phù điêu cá chép hóa rồng được làm bằng gốm có giá trị mỹ thuật cao, qua đó phần nào thể hiện được trình độ tay nghề cũng như kỹ thuật tạo tác của người thợ gốm xưa tại mảnh đất Sài gòn – Gia định. Bao quanh trung điện là tường xây bằng gạch và nền đượt lát bằng gạch tàu tạo nên sự khép kín cho khu vực thờ tự .  

Trong trung điện của đình Bình Hòa có 4 bàn thờ. Phía bên ngoài có bàn thờ, nghi án, phía bên trong bao gồm 3 bàn thờ, chính giữa là bàn thờ hội đồng ngoại, bên trái (theo hướng bàn thờ, là bàn thờ Đông Hiếu, bên phải là bàn thờ Tây Hiếu). Các bàn thờ này đều được làm bằng gỗ, chạm trổ hoa văn tinh xảo trên từng đường nét theo lối chạm lộng, điều đó cho thấy trình độ chế tác trên vật liệu gỗ của cư dân Sài Gòn - Gia Định trong thời kỳ này đã đạt đến tầm cao của nghệ thuật chạm khắc. Những đồ án trang trí hình mai hóa rồng trên những bàn thờ vừa thể hiện được cái dáng uốn lượn của rồng vừa thể hiện được sự cằn cỗi già nua nhưng đầy sức sống của những gốc mai cổ thụ kết hợp với sơn son thiết vàng làm cho phối cảnh khiến cho trung điện thật lộng lẫy và uy nghiêm. Đặc biệt trong trung điện còn có cặp liễn đối “Giáng Long” được sơn son thiết vàng với nét chạm trổ tinh xảo, hình ảnh rồng đầy sức tạo hình được thể hiện xen lẫn, lẩn khuất với những đám mây tương tự như họa tiết “Long ẩn vân” thường thấy trên các đĩa sứ thời Lê – Nguyễn .

Tiếp sau trung điện là chính điện, đây là phần kiến trúc quan trọng nhất tập trung những bàn thờ chính của ngôi đình. Chính điện với phần mái được thiết kế một tầng với mục đích hạn chế tối đa lượng ánh sáng lọt vào nhằm tạo một không gian trang nghiêm và đượm chút thần bí vốn là điều thường thấy trong kiến trúc đình, chùa từ xa xưa. Hệ thống vì kèo ở đây cũng được sử dụng hoàn toàn bằng vật liệu gỗ. các liên kết cột kèo chủ yếu là liên kết bằng mộng, chèm…. nêm…… Từ ngoài bước vào chính điện, chúng ta sẽ gặp ban thờ hội đồng nội trên bàn thờ có bài vị đề “Cung thỉnh Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Thần Chiêu Linh Ứng Tứ Vị Thánh Nương Nương”[2]. Phía trước bàn thờ có đặt một bộ bát bửu. Phía sau bài vị trước khám thờ thần là một chiếc bàn bằng gỗ được điêu khắc, chạm trổ tinh xảo các hình họa tiết đầu rồng và những đề tài hoa mẫu đơn, cúc trĩ, cũng được thể hiện một cách sinh động và được sơn son thiết vàng. Trên bàn thờ này có đặt bộ lư hương bằng đồng để người đến có thể thắp hương trước khi vào khám thờ “Thần” ở phía cuối cùng của chính điện. Cuối chính điện là khám thờ “thần” được đặt trên một bàn thờ bằng gỗ chính giữa khám thờ có bài vị “thần” bằng chữ hán và bốn bài vị nữa ở hai bên .  

Khám thờ “thần” bằng gỗ trong đình Bình Hòa được chạm khắc hoa văn tinh xảo theo lối chạm lộng với những đường nét chạm rất thật, sắc nét với những đề tài trang trí thể hiện sự thanh cao, thoát tục theo quan niệm cổ xưa như đề tài Mai – Điểu, Cúc Trĩ, Sóc Nho…v…v…. và tất cả đều được sơn son thiết vàng. Sự tôn kính trong chính điện của đình Bình Hòa càng được tăng lên khi người xưa phối trí cho hai ban thờ Tả Ban và Hữu Ban ở hai bên bàn thờ “Thần” làm cho không gian thờ tự như rộng lớn và uy nghiêm hơn. Những đồ vật được trưng bày phía trong chính điện cũng là những đồ vật có giá trị lịch sử lâu đời đáng lưu ý như : trống, chiêng, bạch mã làm vật cưỡi cho thần linh…… Ngoài ra những bức trướng vải lụa và những câu đối bằng chữ Hán phồn thể cũng là những hiện vật vô cùng quý hiếm. Bên cạnh đó, chính điện đình Bình Hòa còn có 3 bức hoành phi được lưu giữ bao gồm “Cầu chi tất linh”, “Thành tài phụ tướng”, “Thần tứ phong cương”.

Cũng như những ngôi đình khác trong cả nước, đình Bình Hòa có đối tượng thờ tự chính là thần Thành Hoàng. Thần được thờ tại đình là Tứ vị thánh bà “nguyên là Dương thái hậu và ba nàng công chúa Trung Hoa đời Nam Tống cùng thờ với vị Thành Hoàng là vị có công xây dựng cơ nghiệp tên là Lê Thi, vị cai tổng có công khai khẩn tên Hoàng Lương”[3]. Tục thờ thần Thành Hoàng vốn là sự du nhập văn hóa từ phương Bắc, dần dà đã trở thành một truyền thống trong văn hóa làng xã của Việt Nam. Truyền thống đó cũng phù hợp với dòng chảy lịch sử - văn hóa của đất nước ta và truyền thống này đã theo bước trong hành trang tâm linh của những lưu dân xuôi từ vùng Thuận – Quảng vào phương Nam khai khẩn vùng đất mới. Thành Hoàng hiển nhiên đã trở thành một vị thần quan trọng đối với văn hóa làng xã Nam Bộ nói chung và khu vực Sài Gòn – Gia Định nói riêng. Thành Hoàng được thờ trong đình với nhiệm vụ thiêng liêng là “Hộ Quốc Tý Dân” đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cư dân Nam Bộ .

Ở phần trục kiến trúc phụ của đình Bình Hòa bao gồm nhà Túc, kho và nhà bếp. Đây tuy là phần kiến trúc phụ của đình, nhưng phần kiến trúc này cũng được kiến tạo một cách vững chắc bằng kết cấu gỗ tương tự như phần kiến trúc trên trục chính, chỉ có điều quy mô nhỏ hơn. Phần kiến trúc phụ này góp phần tạo nên một không gian rộng lớn cho toàn thể đình Bình Hòa. Những ban thờ bằng gỗ được xắp xếp trong Túc Đường có một vẻ đẹp rất tinh tế của kỹ thuật chạm khắc trên gỗ. Những hoa văn cũng như đề tài trang trí trên các ban thờ này thiết nghĩ còn là những vấn đề đáng nghiên cứu trong những bài nghiên cứu có tính chuyên khảo dưới góc độ tiếp cận của nghệ thuật điêu khắc gỗ tại Nam Bộ. Chính giữa nhà Túc Đường của đình Bình Hòa có ban thờ “tiền hiền, hậu hiền” là những người đi trước đã có công xây dựng và vun đắp nên sự phù sa, tươi tốt cho vùng đất này, đây hẳn là thái độ uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây vốn đã đi sâu vào nhận thức của mỗi con người Việt .

Hai bên bàn thờ “tiền hiền, hậu hiền” là bàn thờ các anh hùng liệt sỹ của dân tộc và bàn thờ “tiền vãn, hậu vãn” cũng là những người có công trong việc mở mang và xây dựng cơ ngơi nơi đây đó chính là những “Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ” trong dòng văn hóa truyền thống của người Việt. Với kết cấu ba gian hai chái, tổng thể công trình kiến trúc phụ này đã đóng một vai trò cần thiết, quan trọng đối với toàn thể kiến trúc đình Bình Hòa nói chung. Khu vực công trình phụ này cũng là nơi chuẩn bị cho các hoạt động tế lễ trong đình .

           Đình Bình Hòa với tuổi đời tồn tại cho đến hiện tại là hơn hai trăm năm, với từng ấy thời gian sống cùng lịch sử đầy biến động của vùng đất Sài Gòn – Gia Định, đình vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn so với hình thức kiến trúc ban đầu là một cố gắng to lớn trong công cuộc bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa vật thể - phi vật thể của nước ta. Đình Bình Hòa tồn tại trầm mặc với thời gian, mang trong mình một nét gì đó thật đơn sơ, thân thiện, giản dị mà cũng thật uy nghiêm, nó lưu dấu những ký ức hoài niệm về vùng đất Sài gòn – Gia định gần như trong suốt chiều dài lịch sử. Ngôi đình cùng với hơn 30 cổ vật đều có những giá trị đặc biệt về văn hóa và lịch sử, qua đó phản ánh một phần về đời sống cũng như quan niệm về thế giới tâm linh của người Việt tại khu vực Sài Gòn nói riêng, cũng như cả vùng Nam Bộ nói chung .  

Tài Liệu Tham Khảo 

Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Thành Phố Hồ Chí Minh Một Số Tín Ngưỡng Dân Gian, Ban Quản Lý Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Và Danh Lam Thắng Cảnh năm 2001

Bảo Tàng Cách Mạng Thành Phố Hồ Chí Minh, Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Thành Phố Hồ Chí Minh, NXB Trẻ Năm 1998

Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Đình Nam Bộ Xưa Và Nay, NXB Đồng Nai

Nguyễn Hữu Hiến, Tìm Hiểu Văn Hóa Tâm Linh Nam Bộ, NXB Trẻ Năm 2004





[1]  Phùng Hoàng Anh , Đình Bình Hòa , “Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Thành Phố Hồ Chí Minh Một Số Cơ Sở Tín Ngưỡng Dân Gian” Trang 45
[2] Phùng Hoàng Anh , Đình Bình Hòa , “Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Thành Phố Hồ Chí Minh Một Số Cơ Sở Tín Ngưỡng Dân Gian” Trang 47
[3] Di Tích Lịch Sử Văn Hóa TP.HCM, NXB Trẻ TPHCM trang 198

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Đình Thông Tây Hội

                                                       Đình Thông Tây Hội, Quận Gò Vấp

          Thế kỷ XVI – XVII là giai đoạn đầy biến động trong lịch sử của dân tộc, chịu ảnh hưởng bởi xu thế phát triển cũng như nhu cầu khai hoang mở rộng lãnh thổ đương thời, những lưu dân vùng Thuận – Quảng đã dong buồm hướng về phương Nam vốn là một vùng đất trù phú còn rất hoang sơ và ẩn chứa nhiều điều bí ẩn.

Khu vực Nông Nại (Đồng Nai hiện nay) và vùng đất Gia Định là một trong những nơi ghi dấu chân rất sớm của những lưu dân đi khai hoang lập ấp. Vượt qua bao nhiêu sóng gió, khó khăn và thử thách, những lưu dân này đã bắt đầu một cuộc sống mới tại những vùng đất mà sau này trở thành những khu đô thị lớn như Sài gòn, Đồng Nai, Mỹ Tho…v…..v…. như ngày nay. Ngay từ khi còn “chân ướt chân ráo” trên vùng đất phương Nam đầy bí hiểm, một nhu cầu không thể thiếu được đối với những lưu dân đó chính là nhu cầu về tín ngưỡng tâm linh !

Trước một vùng đất mới với đầy rẫy những hiểm nguy và bí ẩn thì nhu cầu đó cũng là điều dễ hiểu, bên cạnh đó do sự kết hợp, kế thừa những truyền thống văn hóa - tín ngững vốn có của cư dân xứ Thuận – Quảng nên việc hình thành những ngôi đình, chùa là một hệ quả tất yếu của lịch sử trên mảnh đất mới lắm phù sa và ưu đãi củathiên nhiên. Mảnh đất Sài Gòn – Gia Định hơn 300 năm tuổi có rất nhiều những đình, chùa, miếu võ, nhưng có lẽ tiêu biểu hơn cả về mặt thời gian cũng như về kiến trúc cổ còn được lưu giữ đến tận ngày nay thì phải kể đến đình Thông Tây Hội quận Gò Vấp .

Đình Thông Tây Hội tại khu vực quận Gò Vấp hiện nay là một ngôi đình cổ có tiếng không chỉ ở khu vực Sài Gòn – Gia Định mà còn ở khắp khu vực Nam Bộ về thời gian cũng như những nét kiến trúc cổ còn được lưu giữ lại đến tận ngày nay dù rằng thời gian cũng đã làm cho ngôi cổ đình ít nhiều gặp phải những hư hại khách quan. Đình tọa lạc tại khu vực quận Gò Vấp, xưa là một vùng đồi gò khá cao (đất gò triền chiếm 80% diện tích) đây là vùng có địa thế khá thuận lợi nằm bên hữu ngạn sông Sài gòn, thuận lợi cho việc giao thông bằng đường thủy lại thêm không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng nhiễm mặn và có lượng nước ngầm dự trữ lớn. Đất phù sa nhiều, không cần tốn nhiều công sức để cải tạo đất. Chính những yếu tố thuận lợi đó nên từ rất sớm vùng đất này đã là nơi hôi tụ của những người dân đến khai hoang lập ấp. Từ trước khi quan kinh lược Nguyễn Hữu Cảnh đến thiết lập bộ máy hành chính đầu tiên tại khu vực Nam Bộ (1698) thì Gò Vấp đã có khá nhiều những thôn, xóm, làng, ấp…….. của những lưu dân quần cư cạnh nhau. Theo những nguồn tư liệu xưa mà người viết có được xã Hạnh Thông là xã đầu tiên được ra đời tại khu vực Gò Vấp. Theo thời gian, dân số tăng lên nên tách ra thêm là Hạnh Thông Tây, về sau Hạnh Thông Tây sát nhập với làng An Hội thành xã Thông Tây Hội. Ngoài ra khu vực Gò Vấp xưa còn có thêm xã An Nhơn, xét trên địa vực hành chính xưa thì Gò Vấp thuộc tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An (cơ cấu hành chính hoàn chỉnh như trên ra đời từ năm Gia Long thứ 6 “1807”). Khu vực Gò Vấp thời bấy giờ rộng lớn hơn nhiều so với diện tích hành chính hiện nay. Như vậy là từ rất sớm, tại khu vực Gò Vấp cư dân đã tụ tập hình thành nên những làng xóm đông đúc và nhộn nhịp. Theo lệ truyền thống của văn hóa Việt Nam hễ cứ có làng, xã là sẽ có đình, chùa. Ngôi đình Thông Tây Hội được xây dựng cũng trong hoàn cảnh ấy .

Đình Thông Tây Hội được xây dựng vào khoảng năm 1679 trên một vùng đất gò cao. Trước năm 1944 đình còn được gọi là đình làng Hạnh Thông Tây. Theo một số tài liệu xưa thì đã từng có hai nơi được chọn để xây dựng đình, theo đó ngôi đình đầu tiên không phải ở vị trí hiện nay mà được xây dựng tại khu vực phía nam chợ Hạnh Thông Tây. Ngôi đình này có kết cấu đơn giản tuy nhiên theo thời gian cộng với sự bùng nổ của việc phát triển dân cư, ngôi đình đầu tiên hiện nay đã không còn tìm thấy được vết tích gì. Ngôi đình hiện nay được xây dựng ở vào vị trí phía Bắc chợ Hạnh Thông Tây và cách chợ khoảng 700m. Đình Thông Tây Hội cũng như các đình khác tại Việt Nam được xây dựng với mục đích thờ thần Thành Hoàng vị thần vốn được xem như người bảo vệ cố hữu trong văn hóa làng xã của Việt Nam.

           Đình Thông Tây Hội có diện tích nguyên thủy khoảng hơn 5000m2 diện tích xây dựng là “761m2”[1] tuy nhiên do sự lấn chiếm của người dân xung quanh nên hiện tại khuôn viên của đình chỉ còn lại khoảng 1500m2. Cổng đình nằm trên đường Thống Nhất hiện nay được xây dựng theo kiểu Tam Quan bằng tường gạch quét vôi màu vàng. Phía trên cổng có cặp lưỡng long tranh châu bằng gốm xanh, được tạo tác tỉ mỷ đem lại giá trị mỹ thuật cao.  Hai bên cổng đình có khắc nổi cặp câu đối bằng chữ hán. Sau cổng đình là một khoảng sân đình rộng lớn với những cây cổ thụ lâu năm tỏa bóng mát làm cho khuôn viên đình có được sự trầm mặc, cổ kính và uy nghiêm của một ngôi cổ đình.
Khu vực sân đình bao quanh khu vực kiến trúc làm cho đình luôn thoáng mát và có độ hòa hợp cao với thiên nhiên. Khu vực sân đình còn có các công trình kiến trúc nhỏ khác như miếu ngũ hành và bia ông hổ.  Đình Thông Tây Hội có bốn sân bao gồm sân trước, sân sau, sân hông phải và sân hông trái. Với kết cấu như vậy đình Thông Tây có được sự hòa hợp giữa phần kiến trúc xây dựng và cảnh trí xung quanh. Trong phần kiến trúc xây dựng của đình, đầu tiên phía trước chính điện là nhà Võ Ca[2]. Xét về quy mô kiến trúc thì nhà Võ Ca có kiến trúc nhỏ hơn chánh điện và nhà Hội Sở, được kết cấu bằng những cột gỗ sao với hệ thống vì kèo cũng được làm bằng gỗ, bên dưới các cột được tấn đá. Võ Ca có chiều ngang 14m sâu 17,5m và cao 4m. Nhà Võ Ca bao gồm 7 nếp nhà với những chức năng cụ thể của từng gian bao gồm : buồng hát, sàn diễn, nhà chầu, nhà chiêng, nhà mõ….là nơi diễn ra các hoạt động văn nghệ trong các dịp lễ hội của đình.

Sau Võ Ca là Chính Điện, đây là phần quan trọng nhất của đình. Chính điện được dựng lên bằng hệ thống cột gỗ với đường kính khá lớn từ 25cm đến 50cm, những vì kèo với chức năng kết cấu chịu lực cũng được làm bằng gỗ với những đường nét trạm trổ tinh xảo, môtip tạo hình uyển chuyển giữa rồng và mai tạo nên giá trị thẩm mỹ cao. Phần mái chính điện gồm hai mái nhà được dựng lên hình thành nên vẻ uy nghi, to lớn và được lợp bằng ngói âm dương phía trên có tượng lưỡng long tranh châu bằng sứ xanh. Đây là dạng motip trang trí thường thấy trong các kiến trúc đình tại Nam Bộ. Chính điện có kích thước chiều ngang là 12m, chiều dài 16,5m chiều cao 5,1m .  Bên trong chính điện gồm 48 cột gỗ chia làm 8 hàng, mỗi hàng bao gồm 6 cột. Kết cấu của chính điện theo bình diện hình chữ nhật, chính giữa điện dựng 4 cột lớn theo dạng tứ trụ, toàn bộ hệ thống cột và vì kèo được làm bằng loại gỗ sao, vốn là loại gỗ khá phổ biến tại khu vực Nam Bộ trong thời kỳ đấy. Loại gỗ này rất bền và thực tế đã chứng minh, những cột gỗ tại đình Thông Tây Hội tuy có xuống cấp sau thời gian mấy trăm năm tồn tại nhưng khả năng chống đỡ và chịu lực cũng vẫn rất tốt. Phía dưới chân cột được kê bằng những tấm đá tròn tạo sự vững chắc cho toàn bộ kết cấu. Xung quanh chính điện được xây tường với mục đíc che mưa, nắng và để giảm lượng ánh sáng lọt vào chính điện bởi nơi thờ thần linh ngự cần hạn chế ánh sáng để tạo vẻ uy nghi .

Bên trong chính điện tại nơi nghiêm nhất có đặt bàn thờ của thần Thành Hoàng. Thần Thành Hoàng được thờ trong đình là Đông Chiêu Vương và Dực Thánh Vương vốn là hai người con trai của Vua Lý Thái Tổ có nhiều công lao trong việc mở mang và giữ vững bờ cõi được nhân dân tôn làm thần Thành Hoàng. Trên bàn thờ là khám thờ thần thành hoàng. Khám thờ này tại đình Thông Tây Hội được làm bằng gỗ chạm khắc rất tinh xảo với các đồ hình như lưỡng long tranh châu và các hình hoa lá, chim muông được tạo tác sống động với phong cách tả thực, mộc mạc nhưng không kém phần đẹp đẽ, sinh động, tất cả đều được sơn son thiết vàng thể hiện sự tôn kính của hậu thế đối với các tiền nhân “Sinh vi tướng tử vi thần”. Phía trên khám thờ thần là bức hoàng phi có ba chữ hán “Kính Như Tại”. Hai bên khám thờ thần Thành Hoàng là hai khám thờ thần nhỏ khác đó là Tả Ban và Hữu ban được quan niệm là làm công việc phụ giúp cho thần, hai ban thờ này cũng được chạm khắc và trang trí tinh xảo trong từng đường nét thể hiện. Phía trước ba ban thờ đều có ba hương án, phía trên bày bộ tam sự gồm có một lư đồng và hai chân đèn, mỗi bộ đều có thêm một bát nhang. Phía trước ban thờ còn có một cặp hạc được làm bằng gỗ cao 1m6 dáng hình thanh mảnh đường nét rất tinh tế được đứng trên một cặp rùa tạo nên sự uy phong, vững chắc, với ý nghĩa trường tồn cho chính điện.

Bên trong chính điện tăng thêm phần rực rỡ vì còn được trang trí bởi những câu đối được làm bằng thân cây dừa được sơn son và viết theo lối chữ  Hán phồn thể với mầu mực đen làm nổi bật tính trang trí trong điện. Hai bên chính điện còn có sáu bệ thờ khác ở vị trí đối diện nhau. Những bệ thờ này là bệ thờ của các “Tiền Hiền, Hậu Hiền” là những người có công gây dựng và mở mang nên vùng đất trù phú này. Ngoài ra còn có các bàn thờ của những anh hùng liệt sỹ đã hi sinh cho quê hương đất nước và còn cả bàn thờ Bạch Mã . Chính điện gồm có một cửa chính và bốn cửa phụ, thường thì cửa chính chỉ mở vào những dịp lễ hội còn cửa phụ thì mở thường nhật cho người dân vào viếng. Phía bên trái nhà chính điện là nhà Hội Sở, hiện là nơi làm việc của ban quản trị đình. Một điểm khá đặt biệt của nhà Hội Sở ở đình Thông Tây Hội là nhà Hội Sở lớn hơn chính điện, tuy nhiên nhà hội sở ở phía bên trái chánh điện và có kết cấu không công phu, cầu kỳ như chính điện. Bình diện Hội Sở của đình Thông Tây Hội có dạng hình chữ nhật với kích thước chiều ngang 12m, chiều dài 19m, chiều cao 4,2m (chiều cao thấp hơn chính điện). Nhà Hội Sở được lợp bằng ngói âm dương theo kiểu mái “Trùng thiềm điệp ốc” có 3 mái (chính điện có 2 mái) số cột gỗ trong nhà Hội sở là 56 cột cũng được kê trên những tảng đá xanh, diện tích xây dựng là 228 m. Phía bên phải của chính điện là miếu Bà Chúa Xứ . Miếu bà chúa xứ có kích thước chiều ngang 9,3m x dài 9,6m x cao 4,2m . Ngoài ra chung quanh khu vực kiến trúc chính của đình còn có một số công trình kiến trúc phụ và tương đối nhỏ gồm có bình phong Ông Hổ vốn rất thường thấy trong các kiến trúc đình ở Nam bộ. Bia Ông Hổ tại đình được đắp nổi với những đường nét tả thực hình thiên nhiên sông núi rất bình dị và quen thuộc trong những ngôi đình miền nam . Hai bên bia Ông Hổ là Miếu Bạch Hổ và miếu Ngũ Hành nhìn chung kích thước miếu cũng khá nhỏ .

Đình Thông Tây Hội là một ngôi đình được xếp vào dạng cổ xưa của khu vực Sài Gòn – Gia Định nói riêng cũng như ở khu vực Nam bộ nói chung . Kiến trúc của đình còn giữ được khá nguyên vẹn nét kiến trúc truyền thống của khu vực Nam Bộ trong những giai đoạn đầu của công cuộc khai phá miền đất mới. Chính vì thế việc bảo tồn những nét kiến trúc của đình Thông Tây Hội là một việc quan trọng, sự hủy hoại của thời gian cũng như quá trình đô thị hóa một cách nhanh chóng đã ít nhiều ảnh hưởng tới kiến trúc và cảnh quan của đình. Chính vì lẽ đó việc nghiên cứu và bảo tồn những ngôi đình trên địa bàn tp.HCM nói riêng cũng như trong phạm vi cả nước nói chung có một vai trò rất quan trọng và cần được quan tâm đầu tư, nghiên cứu và xúc tiến một cách khẩn trương, toàn diện .

Tài Liệu Tham Khảo

Lê Sơn, Hội Đình Thông Tây Hội Gò Vấp Trong Bối Cảnh Hội Đình Nam Bộ, Luận Án Phó Tiến Sĩ Khoa Học Lịch Sử, TP. Hồ Chí Minh 1996

Nguyễn Đức Hiếu, Tìm Hiểu Văn Hóa Tâm Linh Nam Bộ, NXB Trẻ 2004





[1] Theo : Lê Sơn, Hội Đình Thông Tây Hội Gò Vấp Trong Bối Cảnh Hội Đình Nam Bộ, Luận Án Phó Tiến Sĩ Khoa Học Lịch Sử, TP. Hồ Chí Minh 1996
[2] Võ Ca là nơi diễn ra các hoạt động tuồng chèo thường thấy trong các dịp lễ hội truyền thống tại đình 

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Chùa Giác Lâm



                                                                                                                                                                                               Chùa Giác Lâm 


Là một ngôi cổ tự trầm mặc được đánh giá có tuổi đời lâu nhất tại TP. Hồ Chí Minh, chùa Giác Lâm hiện nay tọa lạc tại số 118 đường Lạc Long Quân phường 10, Quận Tân Bình .

Chùa được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1744 do một người Minh Hương tên là Lý Thụy Long quyên tiền xây dựng. Do những biến động lịch sử của Trung Quốc nên trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII có rất nhiều người Trung Hoa theo phong trào “phản Thanh phục Minh” đã rời bỏ quê hương để đi lưu vong tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Khi rời xa cố quốc, một hành trang không thể thiếu được đối với họ chính là văn hóa – tín ngưỡng. Chính vì lẽ đó, khi sang Việt Nam lập nghiệp, những hoa kiều này đã tự bỏ hoặc quyên tiền xây dựng khá nhiều những ngôi miếu, chùa trên vùng đất mới, và đó dường như cũng trở thành một truyền thống của nhóm cư dân này tại tất cả mọi nơi trên thế giới, qua đó đã ít nhiều góp phần tạo nên những công trình kiến trúc có giá trị cả về thẩm mỹ lẫn tín ngưỡng - tôn giáo.   

Chùa Giác Lâm cũng được xây dựng trong bối cảnh như đã trình bày ở trên, chùa được xây dựng trên một gò đất khá cao giữa một rừng cây xanh, cổ thụ tỏa bóng rộng bát ngát, tạo nên một cảm giác thật an lành hạnh phúc. Cái tên “Giác Lâm” phải chăng cũng gợi nên sự giác ngộ nơi chốn rừng thiêng thanh tịnh ?  Chắc hẳn Lý Thụy Long xưa kia đã xem xét rất kỹ về thế đất cũng như các điều kiện thiên nhiên hữu tình nơi đây rồi mới cho xây dựng chùa. Trong khoảng năm từ 1744 đến 1774 ngôi chùa không có người trụ trì. Năm 1774 thiền sư Viên Quang về trụ trì chùa và là vị trụ trì đầu tiên của chùa .

Ngôi cổ tự trên đã trải qua một số lần trùng tu lớn trong những khoảng thời gian cụ thể vào những năm 1798 – 1804, 1900 – 1909, 1939 – 1945, 1992 – 1993. Trải qua nhiều lần trùng tu những ảnh hưởng của các nền văn hóa bên ngoài đã du nhập và để lại dấu ấn trong một số đường nét kiến trúc của ngôi cổ tự, tuy nhiên những nét kiến trúc cổ truyền thống của người Việt, Hoa vẫn được bảo tồn cho đến tận hôm nay.  

Chùa Giác Lâm có thể được coi như một ngôi chùa tiêu biểu về mặt kiến trúc, cũng như cách thức phối tượng, nghệ thuật trang trí Phật giáo đại thừa tại khu vực Sài Gòn – Gia Định. Ngôi cổ tự trầm mặc cùng thời gian này từ lâu đã thu hút rất nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước trên nhiều lĩnh vực đặc biệt dưới khía cạnh tôn giáo và kiến trúc cổ !  

Theo kiến trúc ban đầu, chùa không có cổng Tam Quan thể hiện lối tư duy thoáng đạt của người dân vùng Nam Bộ trong giai đoạn đầu khai khẩn miền đất mới. Cổng Tam Quan của chùa hiện nay là một công trình kiến trúc mới được xây dựng vào năm 1955 với những chất liệu xây dựng hiện đại. Ngoài ra trên cổng “nhị quan” của chùa được xây dựng vào những thập niên 30, 40 của thế kỷ XX còn thể hiện rõ sự giao lưu với các yếu tố văn hóa bên ngoài qua những họa tiết trang trí có màu sắc văn hóa Ấn Độ như đầu rắn Naga, cặp sư tử trong tư thế chầu tại góc cổng. Bên cạnh đó, do những đổi thay của lịch sử trong giai đọan nửa sau thế kỷ XIX, nên các  yếu tố trang trí mỹ thuật của văn hóa phương Tây đã được thể hiện qua các cột trụ và chân cổng tạo nên một vẻ sinh động, tài tình trong các đường nét mỹ thuật. 

Qua khòi cổng Tam Quan là tới khuôn viên sân, vườn chùa Giác Lâm. Không gian này rất rộng lớn với những cây cổ thụ lâu năm tỏa bóng mát làm dịu đi cái không khí nóng bức vốn thường thấy tại vùng Nam Bộ. Bước vào sân vườn chùa chúng ta có cảm giác như lạc vào một cõi hư ảo, huyền bí của nơi đất Phật. Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức đã có những lời ca tụng phong cảnh của Giác Lâm Tự như sau : “Chùa ở trên gò Cẩm Sơn, cách phía tây Lũy Bán Bích 3 dặm…., cây cao như rừng, hoa nở tựa gấm, sáng chiều mây khói nổi bay quanh quất, địa thế tuy nhỏ mà cõ nhã khí[1]. Lời khen của Trịnh Hoài Đức quả thật không sai. Toàn bộ kiến trúc cổ kính của ngôi chùa nằm lẩn khuất sau những tán cây xum xuê như trầm mặc, thanh tĩnh hơn cùng với thời gian, năm tháng. Ngoài ra trong khuôn viên chùa còn có nhiều mộ tháp của những trụ trì, tăng sỹ đã từng tu tập tại chùa .

Xét trên tổng thể kiến trúc thì chùa Giác Lâm có dạng kiến trúc hình chữ Tam, với kết cấu khung sườn cũng như hệ thống vì kèo được làm bằng các loại gỗ danh mộc tốt, phần mái chùa lợp ngói âm dương, dáng mái dốc và không có dạng đầu đao phù hợp để thoát nước trong những trận mưa lớn tại vùng đất Nam Bộ. Từ phía sân chùa vào, phần kiến trúc đầu tiên là chính điện, ngay sau chính điện là nhà giảng đường, hai mái chính điện và giảng đường được nối với nhau theo kiểu xếp đọi thường thấy trong các ngôi chùa ở Nam Bộ tạo nên sự nguy nga, rộng lớn trong tổng thể kiến trúc chung của chùa. Tiếp nối giữa nhà Giảng và Nhà trai là một khoảng sân thiên tĩnh để lấy ánh sáng tự nhiên vốn là một motip quen thuộc trong kiến trúc chùa Việt Nam .

Chùa Giác Lâm được dựng lên với hệ thống khung sườn và vì kèo bằng gỗ theo kết cấu đâm trính, cột kê. Chùa được dựng lên bởi 98 cột gỗ tạo nên sự vững chắc trong toàn bộ kiến trúc. Những cột gỗ lâu năm tại đây mang đến một sự trang trọng, cổ kính và thâm nghiêm cho ngôi chùa. Các cột gỗ được kê trên những tán đá vững chắc cũng là kết cấu quen thuộc của hầu hết các công trình kiến trúc cổ truyền tại Việt Nam.       

Khu vực trung tâm của chùa là chính điện, phía trên mái chính điện có tượng lưỡng Long tranh châu. Đây là nơi tập trung những kiến trúc cũng như những tác phẩm tạo tác đặc sắc của một ngôi chùa. Chính điện chùa Giác Lâm với kết cấu như đã trình bày ở phần trên, cộng với sự phối trí các tượng thờ có thể coi như một hình mẫu điển hình cho các ngôi chùa ở khu vực Sài Gòn – Gia Định. Lượng ánh sáng tự nhiên được thiết kế lọt vào chính điện khá ít ỏi tạo nên một sự uy nghiêm của chốn tâm linh. Chùa Giác Lâm có tổng cộng 113 pho tượng, phần lớn tượng trong chùa được làm bằng gỗ mít có niên đại từ giữa thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX . Chính điện chùa là nơi bài trí nhiều tượng thờ nhất, các tượng thờ tại chùa có niên đại khác nhau được tạo tác bởi những nhóm thợ khác nhau nên phong cách chế tác cũng khác nhau. Một số tượng mang phong cách tạo tác của một số nghệ nhân khu vực miền Bắc, số khác lại mang phong cách của những nghệ nhân khu vực miền Trung hoặc miền Nam.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng phong cách tạo tác tượng của khu vực miền Bắc, miền Trung thường thể hiện sự góc cạnh, đường nét trong mỗi pho tượng, còn các pho tượng ở miền Nam thường thể hiện một sự phóng khoáng và mang đậm tính hình khối. Để giải thích cho sự khác biệt đó, người ta thường giải thích dưới góc độ “địa văn hóa”. Tuy nhiên đó cũng chỉ là một ý kiến ! Phải chăng sự khác biệt trong phong cách tạo tác ấy là do quá trình giao lưu văn hóa và đan xen văn hóa qua các thời kỳ trong lịch sử ?       

Các pho tượng được xắp xếp tại chính điện chùa Giác Lâm có thể xem là một mô thức tiêu biểu cho cách phối tượng trong các ngôi chùa cổ tại tp. Hồ Chí Minh nói riêng và vùng Nam bộ nói chung .   

Ở bậc cao nhất trên bàn thờ trong chính điện chùa Giác Lâm là bức tượng Phật A Di Đà, bên trái (nằm ngoài bàn thờ chính điện) là tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, bên phải là tượng Bồ Tát Đại Thế Chí đây chính là bộ tượng Di Đà Tam Tôn. Ở hàng dưới tượng A Di Đà là tượng Thích Ca ở chính giữa, hai bên trái phải là tượng Ca Diếp và An Nan. Dưới bức tượng này là tượng Cửu Long thể hiện lúc đức phật Thích Ca mới chào đời có chín con rồng tới phun nước để tắm cho người . 

Bên dưới tượng Cửu Long là tượng Phật đản sinh, bên trái là tượng ông Ác bên phải là tượng ông Thiện. Phía dưới cùng của bàn thờ chính là bộ tượng ngũ hiền thượng kỳ thú  gồm tượng Thích Ca ở giữa hai bên là Bồ Tát Quán Thế Ấm, Đại Thế Chí, Văn Thù và Phổ Hiền. Các tượng này tay đều trong thế bắt ấn thể hiện tư thế đang hoằng hóa chúng sinh .


Hai bên trái phải của chính điện là bộ tượng thập bát la hán và thập điện diêm vương. Chùa Giác Lâm có hai bộ tượng Thập Bát La Hán. Trong đó bộ nhỏ hơn có niên đại sớm hơn (khoảng giữa thế kỷ XVIII) bộ lớn hơn có niên đại muộn (Khoảng đầu thế kỷ XIX). Ở bộ tượng La Hán niên đại sớm chúng ta thấy rằng  có nhiều đường nét tạo tác thể hiện sự ảnh hưởng của mỹ thuật Phật Giáo Trung Quốc mà điển hình nhất có thể thấy là chiếc áo khoác trên mình các vị La Hán có cổ cao và khuôn mặt các vị La Hán này cũng có nhiều đặc điểm nhân chủng của người Trung Quốc. Mặt khác nét suy tư, trầm ngâm trên khuôn mặt mỗi vị cũng cho thấy sự ảnh hưởng đậm nét của nghệ thuật phật giáo Trung quốc.

Song ở bộ tượng La Hán lớn hơn những đặc điểm ảnh hưởng của mỹ thuật phật giáo Trung Quốc đã giảm hẳn, từ chiếc áo khoác trên người các vị La Hán cũng đơn giản và mộc mạc hơn, phóng hoáng hơn, nét mặt của các vị hiện lên một vẻ rất tươi vui chứ không u buồn ủ rũ ! Phải chăng môi trường thiên nhiên của vùng đất mới đã tạo nên tâm trạng phấn khởi tươi vui trong tâm thức của những con người đang khai phá vùng đất mới để rồi tâm trạng hứng hởi đó cũng được chuyển thể khéo léo vào những pho tượng La Hán ?  

Phía cửa chính điện là tượng hai ông Hộ Pháp để bảo vệ nơi phật điện. Ngoài ra trong chùa còn phối trí một số bức tượng khác như tượng Tiêu Diện Đại Sỹ, Quan Thánh, Quan Bình, Châu Xương, Bồ Đề Đạt Ma, Mã Quan .

Phía sau bàn thờ chính được ngăn cách bằng một bức bình phong lớn là tới gian thờ Tổ của chùa theo cách bố trí thường thấy của Nam Bộ đó là “Tiền Phật Hậu Tổ” nơi đây có đặt hình ảnh cũng như các bài vị các vị tổ khai sáng ra chi phái Lâm Tế dòng đạo Bổn Ngườn. Phía sau gian thờ tổ là đến khu vực giảng đường với kiểu mái nối đọi với mái chính điện. Giảng đường có kết cấu và vật liệu tương tự như chính điện là nơi hội tụ các Tăng sỹ từ nhiều nơi đến dự các sự kiện quan trọng trong những dịp lễ của chùa.

Giảng đường được nối với nhà Trai thông qua một sân Thiên Tĩnh có tác dụng lấy ánh sáng cho ngôi chùa. Nhà trai là nơi học tập của các Tăng sỹ. Và  để hòa vào tổng thể kiến trúc chung nên trai đường cũng được xây dựng với lối kiến trúc không có mấy khác biệt so với chính điện và nhà giảng. Vẫn với những vật liệu gỗ truyền thống và kết cấu đâm trính cột kê quen thuộc, trai đường là phần kiến trúc cuối trong tổng thể kiến trúc chính của chùa Giác Lâm.  

Trải qua thời gian tồn tại dài lâu cùng dòng chảy lịch sử đầy biến động, chùa Giác Lâm hiện nay còn lưu giữ nhiều tác phẩm mỹ thuật Phật giáo độc đáo mà tiêu biểu phải kể đến đó là những câu đối bằng chữ Hán được tạo tác trên phần lớn những thân cột gỗ tại chùa. Có hơn 40 cặp câu đối được chạm nổi hoặc khắc chìm trên những thân cột trong chùa và được trang trí cầu kỳ với đường nét Hán tự cao rộng, thoáng đạt. Những câu đối này không chỉ đẹp về hình thức thể hiện mà còn mang trong mình những triết lý thâm sâu về mặt tư tưởng nhân sinh quan ! Ngoài ra trong chùa còn có một số liễn đối được làm bằng thân cây dừa vốn là loại cây quen thuộc tại vùng Nam Bộ, tuy nhiên số liễn đối dạng này không nhiều. Những bức hoành phi thể hiện tư tưởng Phật Giáo cũng như tư tưởng hướng thiện là những tác phẩm nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao một vài bức hoành phi bằng chữ hán tiêu biểu như: “ Đạo Mạch Trường Hưng”,  “Phật Pháp Trường Hưng”, được sơn đen thiết vàng rất độc đáo .  

Đặc sắc nhất trong nghệ thuật trang trí tại Chùa Giác Lâm là 9 bao lam được tạo tác theo kiểu chạm lộng và phần lớn được đặt trong chính điện. Những bao lam này phong phú về đề tài, sinh động trong đường nét thể hiện. Có thể dễ dàng nhận ra motip thể hiện thường thấy trong nền mỹ thuật phật giáo như hình tượng Cửu Long (chín con rồng) được tạo tác sinh động, mềm mại đang uốn lượn phu nước tắm cho Đức Phật khi ngài ra đời. Hình ảnh những con vật thân quen bình dị thường thấy trong cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây cũng được thể hiện thật sinh động trong từng đường nét, cử chỉ, dáng vẻ, chẳng hạn như hình ảnh chú sóc đang say sưa thưởng thức trái cây bên cạnh một chú sóc khác đang tiến đến gần một chùm quả trong tư thế rón rén thận trọng. Tất cả đều thể hiện một cuộc sống thanh bình, khát vọng yêu thương cuộc sống, sự sinh sôi nảy nở của vạn vật cây trái. Điều đó cũng phần nào gợi cho ta cảm nhận được cuộc sống tương đối dư giả và hạnh phúc của những con người nơi đây trong lịch sử. 

Không gian trong bức bao lam dường như rộng rãi, thoáng đạt hơn nhờ hình ảnh những chú chim đang bay lượn trên không với dáng vẻ thoải mái, tự do hay những đề tài “phi, minh, túc, thực” của lòai chim cũng được tạo tác với những  đường nét tinh tế, sống động ẩn hiện trong lớp hoa văn dây lá trông thật tự nhiên, giàu sức biểu cảm .

Những bộ bàn thờ trong chùa cũng là những hiện vật quý được chế tạo từ những loài danh mộc và tạo tác khá công phu với sắc màu đen bóng của thời gian càng làm tăng thêm vẻ cổ kính, uy linh, trầm mặc của nơi thờ tự. Dường như có một motip chung thường thấy trong các bàn thờ tại những ngôi cổ ở tại tp. Hồ Chí Minh là không có những nét chạm khắc tại gờ mặt và chân mà chỉ có những nét chạm khắc ở rèm phía trước mặt bàn thờ theo lối chạm lộng những đề tài thường thấy như dây lá hóa rồng, sóc nho, hoa trái………

Những bộ lư hương (thường là bộ tam sự), bình hoa, chân đèn trong chùa cũng là những cổ vật có giá trị nghệ thuật to lớn cần được gìn giữ một cách cẩn trọng. Những cổ vật ấy vừa có giá trị vật chất lại vừa mang màu sắc văn hóa đậm nét trong sự giao lưu, đan xen đa chiều của văn hóa .   

Là một ngôi cổ tự có tuồi được xếp vào hạng bậc nhất của khu vực Sài gòn – Gia định, nên thật khó có lời nói, bài viết nào có thể thể hiện toàn bộ những giá trị văn hóa, văn vật của ngôi cổ tự cao niên này ! Chùa Giác Lâm mang trong mình những nét độc đáo về kiến trúc cũng như nghệ thuật trang trí mỹ thuật phật giáo, ngôi chùa này có thể được xem là đại diện tiêu biểu cho những ngôi chùa cổ theo hệ phái Bắc Tông ở khu vực Sài gòn – Gia định nói riêng cũng như khu vực Nam Bộ nói chung .  

Tài Liệu Tham Khảo 

Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên, Những Ngôi Chùa Ở Thành Phố Hồ Chí Minh, NXB TP.Hồ Chí Minh Năm 1993

Bảo Tàng Cách Mạng TP.Hồ Chí Minh, Di Tích Lịch Sử Văn Hóa TP.Hồ Chí Minh NXB Trẻ Năm 1998




[1] Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên, Chùa Giác Lâm “Những Ngôi Chùa Ở TP. HỒ Chí Minh” NXB TP. HCM năm 1993 

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Chùa Phụng Sơn

                                                                        Chùa Phụng Sơn

          Phụng Sơn Tự là tên một ngôi chùa cổ nổi tiếng ở khu vực Sài Gòn – Gia Định. Trải qua những biến động của thời gian ngôi chùa hiện nay vẫn còn lưu giữ được những nét kiến trúc cổ xưa. Hiện chùa tọa lạc tại địa chỉ số 1408 đường 3/2, quận 11 TP. Hồ Chí Minh

Theo những tư liệu cổ thì chùa được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX dưới triều vua Gia Long do thiền sư Liễu Thông từ miền Trung vào Nam để  hoằng hóa chúng sinh. Khi đến vùng đất gò mà hiện nay là chùa Phụng Sơn vị thiền sư đã thấy khung cảnh hữu tình, nên thơ với tiếng chim hót líu lo, thanh bình và yên ả nên người bèn lập một thảo am mái lá vách tranh để tiến hành tu tập và thuyết giảng cho chúng sinh. Đến năm 1904 thảo am cũ được xây dựng lại theo ý kiến của thiền sư Huệ Minh (trụ chì chùa 1904- 1915) .

Chùa Phụng Sơn có vài lần trùng tu và sử chữa thêm vào những năm 1960. Đến năm 1963 hòa thượng Thích Phước Quang cho xây lại cổng Tam Quan theo sự thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. Tuy có trùng tu nhưng chùa Phụng Sơn cơ bản vẫn còn giữ lại được những kiến trúc tiêu biểu, cổ kính của mình .

Vị trí của chùa được lựa chọn rất kỹ từ khi thiền sư Liễu Thông chọn đất dựng nên thảo am. Vốn là một vùng đất gò cao ráo (nên chùa còn được gọi là chùa Gò) xuang quanh gò có hào nước bao quanh, cảnh sắc thiên nhiên thật hữu tình. Từ xưa đến nay, vịệc chọn đất xây chùa là một công việc vô cùng quan trọng, thường thì các bậc tiền nhân hay chọn những vùng đất có vị trí cao ráo, sơn thủy hữu tình tạo cho ngôi chùa có một vị thế uy nghiêm, trang trọng và tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt của thuật phong thủy. Chùa Phụng Sơn tọa lạc trên một khu vực mà trước đây là vị trí của một ngôi đền thần Bà La Môn trong nền văn hóa Óc Eo cổ xưa cách ngày nay đã khoảng 15 thế kỷ điều đó đủ cho thấy rằng vị trí linh thiêng cũng như cảnh sắc tuyệt vời nơi đây! Những kết quả khai quật khảo cổ học tại khuôn viên chùa đã chứng minh rằng khuôn viên chùa thuộc nền văn hóa trong cương vực quốc gia Phù Nam xa xưa.

Phụng Sơn Tự nhìn chung có diện tích rộng lớn và quy mô, mái chùa cổ nằm khuất sau bao la cây cối mang đến cho người tham quan chùa một cảm giác thật bình yên nhẹ nhàng. Cũng như những ngôi cổ tự khác trên mảnh đất Sài Gòn – Gia định, cấu trúc chùa Phụng Sơn cũng gồm những hạng mục cơ bản như: cổng tam quan, khu vực sân, vườn chùa, chính điện, nhà tổ, nhà giảng…..v…..v….. Nhìn tổng thể kiến trúc của Phụng Sơn Tự theo kiểu “nội công ngoại quốc” rất rộng lớn và tráng lệ, với hành lang bao quanh, Đông Lang và Tây Lang chạy dọc nối chính điện và nhà giảng qua một khoảng sân thiên tĩnh ở giữa. 

Kiến trúc đầu tiên của một ngôi chùa thường là cổng Tam Quan, chùa Phụng Sơn cũng không là ngoại lệ dù rằng các chùa phía Nam thường ít xây dựng cổng Tam Quan hơn so với các ngôi chùa tại khu vực phía Bắc và miền Trung. Cổng Tam Quan vừa có tác dụng trong cuộc sống thế tục lại như là một ranh giới tâm linh giữa chốn đời và chốn đạo. Cổng tam quan chùa gồm một cổng chính to cao ở giữa và hai cổng phụ ở hai bên cổng chính. Cổng tam quan của chùa Phụng Sơn được xây dựng cách đây không lâu (năm 1963) theo bản vẽ thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. Nhìn chung cổng Tam Quan của Phụng Sơn Tự khá mộc mạc hòa nhập một cách toàn diện với khung quanh hữu tình xung quanh.  

Qua khỏi cổng Tam Quan là tới khu vực sân chùa, tại khu vực này người đến viếng chùa chính thức cảm nhận được cái khung cảnh thâm nghiêm, oai linh đượm chút cô tịch thường thấy nhưng lại rất bình dị của chùa. Sân, vườn chùa Phụng Sơn  rộng rãi có trồng nhiều cây cối làm cho không gian quanh chùa như dịu đi, khiến tâm hồn con người như thoải mái hơn, tĩnh lặng hơn để nhận thấy bản chất của cuộc sống là vô thường để rồi hướng tâm đến cái chân ngã vi diệu của đạo Phật.

Trong phần khuân viên rộng lớn của sân chùa có dựng tượng bồ tát Quán Thế Âm là vị bồ tát cứu khổ cứu nạn chúng sinh với chiếc lư hương phía trước và lọng che nắng, mưa rất kính cẩn như góp phần tạo nên vẻ đẹp của sự từ bi vô lượng mà ngài đã phát nguyện tới tất cả chúng sinh trong cõi Ta bà lắm đau khổ này !  

Trong phần kiến trúc xây dựng chính của chùa đầu tiên là chính điện. Chính điện là trung tâm của một ngôi chùa, đây cũng là nơi đặt phần lớn các bức tượng phục vụ cho việc thờ tự tại chùa. Chính điện chùa Phụng Sơn được xây với bộ khung gỗ và vì kèo theo dạng thức đâm trính – cột kê  được làm bằng gỗ, các cột này được kê trên các tán đá hình tròn tạo nên vẻ chắc chắn cho toàn bộ kiến trúc. Trải qua hơn 200 năm tồn tại và những lần trùng tu sau này, bộ khung vẫn giữ được nguyên dáng vẻ với kết cấu như xưa. Xung quanh chính điện được xây bằng tường gạch quét vôi màu vàng, mái chính điện được lợp ngói âm dương, độ dốc mái lớn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thoát nước trong mùa mưa. Đây cũng là sự thích ứng với môi trường trong kiến trúc truyền thống của người Việt. Đầu ngói được làm bằng gốm xanh càng làm tăng thêm tính mỹ thuật, tráng lệ của ngôi cổ tự. Phần nền chùa được lát gạch tạo nên vẻ trang trọng và tôn nghiêm của nơi thờ tự. Không gian trong chính điện chùa được thiết kế rộng rãi tạo nên vẻ uy nghiêm, lượng ánh sáng tự nhiên cũng được khéo léo hạn chế trong chính điện tạo nên vẻ sự linh thiêng và huyền bí .

Hệ thống rui mè, xà của chùa được làm bằng gỗ với những họa tiết điêu khắc thường thấy tại vùng Nam bộ với đường nét chạm khắc tinh tế cầu kỷ trong từng cấu kiện nhỏ nhất tạo nên vẻ trang trọng gây cảm xúc thẩm mỹ cao cho người tớithăm viếng chùa viếng chùa. Chính điện của chùa được dựng theo mô thức “tứ tượng” tức 4 cột chính giữa điện có bình diện hình vuông. Mô thức tứ tượng thường chỉ được dung cho các công trình kiến trúc để thờ tự như đình, chùa…..Các cột gỗ trong chùa trải qua sự thử thách của thời gian nay đã trở nên đen bóng như làm tăng thêm vẻ cổ kính cho ngôi cổ tự trầm mặc này !

Cũng như những ngôi chùa theo hệ phái Đại Thừa ở Nam bộ, chùa Phụng Sơn có một số bộ tượng Phật thường thấy như bộ Di Đà Tam Tôn (gồm tượng Phật Ai Di Đà, tượng bồ tát Quán Thế Âm, và bồ tát Đại Thế Chí). Bộ tượng năm vị (ngũ hiền) thượng kỳ thú (Thích Ca, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền) và một số tượng khác như tượng Linh Sơn Thánh Mẫu, tượng, Long Vương, Quan Thánh Đế Quân, bộ tượng thầy trò Đường Tăng….

Trong chính điện chùa Phụng Sơn có hai bộ tượng Di Đà Tam Tôn được đặt ở phía trên cùng trong bàn thờ tại chính điện chùa, việc người dân tiến cúng tượng phật khiến cho nhiều ngôi chùa có hai hay ba bộ tượng giống nhau cũng là điều dễ hiểu . Phía dưới bộ tượng Di Đà Tam Tôn ở hai bên là tượng Ông Thiện và Ông Ác (ông Thiện bên trái, ông Ác bên phải). Ở vị trí gần với người đến viếng nhất là bộ tượng Ngũ Hiền gồm có tượng Thích Ca đứng chính giữa, bên trái Thích Ca là Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí. Bên phải là Văn Thù và Phổ Hiền. Các tượng trong bộ “Ngũ Hiền” này được tạo tác với tư thế thượng kỳ thú và các con thú đều ở trong tư thế đứng. Những kỳ thú ở đây là những loài mãnh thú có sức mạnh to lớn như sư tử, voi….. Những con vật trên làm vật cưỡi cho chư phật như thể hiện một sự thuần phục của mọi thế lực mạnh mẽ trong tự nhiên trước phật pháp. 

Đặc biệt bồ tát Phổ Hiền thượng trên con voi có 9 ngà ở đây là một trong những bức tượng độc đáo của vị bồ tát này bởi thông thường voi trắng là vật cưỡi của bồ tát Phổ Hiền chỉ có 6 ngà, 9 ngà là một sự phá cách. Hình ảnh voi trắng tượng trưng cho sự uyên bác của trí tuệ. Hai bên tả, hữu của chính điện còn có bộ Thập Điện Diêm Vương được tạo tác công phu. Đặc biệt trong chính điện còn có bức tượng Linh Sơn Thánh Mẫu biểu thị cho tín ngưỡng dân gian, dòng tín ngưỡng dân gian đã sớm có sự hòa hợp với đạo Phật ngay từ khi đạo Phật mới du nhập vào trung tâm phật giáo Luy Lâu (Thuận Thành – Bắc Ninh) trong những thế kỷ đầu công nguyên .

Đối diện với tượng Linh Sơn Thánh Mẫu qua bộ “Ngũ Hiền” là tượng Quan Thánh Đế Quân một nhân vật anh dũng, trung nghĩa cũng được thờ tại chính điện như một vị thần hộ vệ cho phật pháp. Một số tượng khác cũng được thờ trong chùa như tượng bốn thầy trò Đường Tăng, Long Vương, Bồ Đề Đạt Ma, Thiện Tai, Long Nữ, Địa Tạng Vương Bồ Tát. Bức tượng Hộ Pháp đứng song song với tượng Tiêu Diện Đại Sỹ ở ngay cửa vào như để bảo vệ cho đất Phật linh thiêng. Tượng Tiêu Diện Đại Sỹ tại chùa Phụng Sơn được làm bằng gốm sứ sài gòn là một cổ vật quý, góp phần làm phong phú cho phong cách nghệ thuật tạo tác tượng trong những thế kỷ trước tại Nam bộ.

Nhìn chung, các pho tượng Phật cũng như chư vị thần thánh khác trong chùa được tạo tác một cách tinh xảo bằng các vật liệu chủ yếu là gỗ và gốm, qua phong cách nghệ thuật của mỗi bức tượng ta thấy phảng phất đâu đó nghệ thuật tạo tác của nhiều nhóm thợ từ những vùng khác nhau trên cả nước đó là vẻ trầm tư suy nghĩ hay một chút gì đó thoáng đạt, vui tươi tự sâu trong tâm hồn của từng bức tượng hay cũng chính là của nghệ sỹ trong lịch sử ! Dù sao đi nữa đấy là một đề tài lớn có tính chuyên khảo về nghệ thuật phật giáo của từng vùng miền, trong khuôn khổ của bài viết này người viết chỉ có thể dừng lại ở sự gợi mở cho quý độc giả cũng như những người quan tâm về những kiến trúc cổ của người Việt tại vùng đất Sài Gòn – Gia Định !    

Ngay sau chính điện là gian thờ tổ của chùa, thường thì các ngôi chùa ở Nam bộ với bố cục chủ yếu theo kiểu “Tiền Phật Hậu Tổ” nên chùa Phụng Sơn cũng không là ngoại lệ. Trong gian thờ tổ của chùa còn lưu giữ hai bức tượng chân dung hai vị tổ của chùa là Huệ Minh và Huệ Thành được tạc bằng gỗ với đường nét tả thực chân dung của hai vị tổ này. Xét trên lĩnh vực thẩm mỹ thì hai bức tượng trên quả thật là những tác phẩm nghệ thuật giàu sức biểu cảm. Kết cấu của nhà tổ gắn chặt với chính điện tạo nên sự liền lạc và chắc chắn cũng như góp phần tăng thêm diện tích cũng như không gian thờ tự của ngôi chùa.  
Với cấu trúc khá khép kín nên để tạo lượng ánh sáng cho tổng thể kiến trúc chùa, người ta đã xây dựng một sân thiên tĩnh ngay ở vị trí nối giữa gian chính điện và nhà giảng. Sân Thiên Tĩnh có tượng bồ tát Quán Thế Âm và trồng khá nhiều cây cảnh tạo nên tạo thêm sinh khí cũng như có tác dụng cân bằng lượng ánh sáng cho ngôi chùa. Nhà giảng đường nằm ở ngay sau sân thiên tĩnh cũng được xây dựng với hệ thống cột gỗ và mái được lợp ngói âm dương không có sự khác biệt nhiều so với kết cấu của chính điện.

Ngoài ra trong khu vực khuôn viên chùa còn có tháp tổ Huệ Thành được xây dựng công phu với nhiều chi tiết hoa văn mang ý nghĩa phật giáo, khuôn viên chùa có nhiều cây cối xum xuê, tỏa bóng mát làm cho bầu không khí quanh chùa thêm phần trong sạch, thanh tịnh, ngoài ra cây cối cũng góp phần tạo thêm cảnh sắc thiên nhiên cho ngôi cổ tự trăm năm tuồi này .

Trong khu vực chùa Phụng Sơn hiện nay vẫn còn ẩn chứa biết bao điều bí ẩn và hấp dẫn đối với những nhà nghiên cứu lịch sử vàvăn hóa học. Chùa hiện nay còn lưu giữ được hai bức tượng Thích Ca mang phong cách của Thái Lan và nhật Bản chứng tỏ sự giao lưu văn hóa trong quá khứ. Bức tượng Thích Ca mang phong cách Thái Lan được làm bằng đồng cao 126,5cm với dáng vẻ rất thanh mảnh, mang những đặc điểm nhân chủng dễ nhận thấy của cư dân Thái. Bức tượng rất thanh thoát, tạo cảm giác nhẹ nhàng và mang lại cảm giác mỹ thuật cao cho toàn bộ tác phẩm. Tượng được tạo tác trên một bệ tượng gồm 3 tầng mang hình dáng của cánh hoa sen là một loại biểu tượng kết hợp thường thấy trong nghệ thuật Phật Giáo. Bức tượng Thích Ca mang phong cách Nhật Bản bằng gỗ có tư thế thể hiện đức phật đang tọa thiền và tay đang bắt ấn, ngài choàng Samghati trong tư thế tập trung suy niệm. Cả hai bức tượng này đều là những cổ vật quý giá của chùa Phụng Sơn .

Chùa Phụng Sơn là một đi tích kiến trúc, tôn giáo quan trọng. Trong chùa hiện nay còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ rất đặc trưng cho nghệ thuật tạo tác tượng cổ ở khu vực Nam Bộ nói chung và hu vực Sài Gòn – Gia Định nói riêng trong những năm đầu thế kỷ XIX, trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến bức tượng phật bằng đá dát vàng và bộ tượng Ngũ Hiền độc đáo ở chùa. Ngoài ra khuôn viên chùa Phụng Sơn còn là di chỉ khảo cổ học quan trọng của nền văn hóa Óc Eo cổ xưa gắn liền với vương quốc Phù Nam hùng mạnh một thời trong quá khứ. Chùa Phụng Sơn đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật theo quyết định số 1288- VH/QĐ ngày 16/11/1988 của bộ văn hóa .  

Tài Liệu Tham Khảo :   

BẢO TÀNG CÁCH MẠNG TP.HỒ CHÍ MINH DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, NXB TRẺ NĂM 1998

TRẦN NHO THÌN, VÀO CHÙA LỄ PHẬT SỰ TÍCH – Ý NGHĨA CÁCH BÀI TRÍ, NXB HÀ NỘI NĂM 2008